samedi 25 octobre 2014

Việt kiều già ham cỏ non

IMG_4829.JPG
Hội câu Sài Gòn” khi chat ăn mặc khá kín đáo và chỉ làm như vô tình để hở những chỗ cần hở, nói năng rất tình cảm, lịch sự. “
Với các cô, con mồi lý tưởng nhất là những con “cá” già”
1.001 cách thả mồi của hội ‘câu’ Sài Gòn

Ái Liên khẳng định với tôi: “Tụi em chỉ làm quen với các anh Việt kiều rồi nếu mấy ảnh về Việt Nam thăm nhà hay du lịch, tụi em tình nguyện làm người hướng dẫn.
Sáng thứ bảy, tôi gọi đến số máy của Ái Liên mà anh Quyên Ca đã chuyển cho tôi. Thoạt đầu, giọng cô có vẻ ngập ngừng nhưng khi biết tôi là bạn thân của “Việt kiều David Chương” thì cô đổi tông ngay. Sau vài phút trò chuyện, cô mời tôi trưa mai – Chủ nhật, gặp cô tại quán cà phê M. trên đường Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM.
10h45 sáng Chủ nhật, đang trên đường đến cà phê M. thì điện thoại tôi báo có tin nhắn. Mở ra xem, đó là tin nhắn của Ái Liên: “Em xin lỗi vì sự thay đổi này. Mời anh qua quán cà phê S ở đường Nguyễn Lương Bằng, khu Phú Mỹ Hưng, em đợi”.

Gần 11h30, tôi đến cà phê S, một quán khá sang trọng. Sau khi điện thoại để biết chỗ Ái Liên đang ngồi, tôi đến bàn cô. Ái Liên ở ngoài khác hẳn với tấm hình cô dán trong hồ sơ trên trang web VietS nhưng tôi vẫn phải công nhận cô khá đẹp, chỉ mỗi tội là cô hút thuốc lá như ống khói tàu. Suốt cuộc chuyện trò, cô hỏi tôi về “David Chương” và dĩ nhiên là tôi trả lời làu làu.
Ngược lại, cô cũng kể về “David Chương” y như cô là người yêu của ông Việt kiều “6 bó” – nhưng chưa hề tồn tại trên cõi đời này: “Tụi em không phải là gái mại dâm đứng đường, gái gọi hay thứ gì đại loại như thế…”.
Ái Liên khẳng định với tôi: “Tụi em chỉ làm quen với các anh Việt kiều rồi nếu mấy ảnh về Việt Nam thăm nhà hay du lịch, tụi em tình nguyện làm người hướng dẫn”. Tôi hỏi: “Hướng dẫn như vậy thì có thù lao gì không?”. Ái Liên cười: “Tùy lòng hảo tâm của mấy ảnh chứ em đâu đòi hỏi, chủ yếu là mở rộng giao lưu, thêm bè thêm bạn thôi mà”.

Cuối cùng, cô đi thẳng vào vấn đề: “Anh Chương nói là anh sẽ đưa tiền cho em để em lo cho má em…”. Tôi hỏi má cô hiện nay đang nằm khoa nào, phòng nào, giường số mấy ở Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy thì cô đáp: “Em chưa đưa má vào vì chưa đủ tiền”. Tôi nói, đại ý sáng mai tôi sẽ cùng cô đưa má cô vào BV, và tôi sẽ lo toàn bộ viện phí thì cô có vẻ bực dọc: “Má em đang ở dưới quê”. Tôi nói tiếp: “Vậy em về quê đưa má lên đi”.
Lần này Ái Liên đứng dậy, mặt cau có: “Thôi, khỏi làm phiền anh nữa, để em gọi anh Chương. Ảnh nói vì anh thiếu nợ ảnh nên em mới gặp anh chứ không thì ảnh chuyển tiền về cho em từ bữa kia rồi”.
Với các cô “thợ câu”, Việt kiều càng già càng dễ “câu”.

Tôi cố nín cười. Đúng lúc đó một cô gái khác, tuổi xấp xỉ 40 bước đến: “Ê Phượng, thằng chả email cho mày chưa, cái lão ở Thụy Sĩ đó?”. Tôi thấy mặt Ái Liên – bây giờ là Phượng – hơi tái đi: “Ủa, chuyện đó ăn nhằm gì tới bà mà bà thắc mắc”.
Rồi Phượng bước thẳng, không buồn chào tôi. Đến chiếc ghế sắt đặt cạnh bức tường gần cổng ra vào dành cho nhân viên bảo vệ, Phượng ngồi xuống, móc điện thoại bấm nhoay nhoáy. Một lát, chắc là không liên lạc được, cô ra bãi để xe, leo lên chiếc Air Blade màu đỏ phi một lèo.
Tôi chào, cười xã giao với cô gái vừa mới hỏi Phượng rồi mời cô ngồi, trong đầu thầm nghĩ thế là xôi hỏng bỏng không. Người duy nhất có thể giúp tôi khai thác về “Hội câu Sài Gòn” là Phượng thì xem như đã đứt bóng! Tuy nhiên, lần này tôi gặp may. “Nhìn anh chắc không phải Việt kiều?”. Tôi gật đầu. Cô gái – mà sau đó tôi biết tên là Nhi – nói tiếp: “Mọi bữa tụi nó đi cả hội nhưng bữa nay nó đi một mình. Anh mà là Việt kiều thì chắc con Phượng nó luộc anh rồi”.

Nhắm có thể tìm hiểu “Hội câu Sài Gòn” từ Nhi, tôi kể vắn tắt cho cô nghe chuyện Phượng quen David Chương, bạn tôi, rồi chuyện má Phượng bị ung thư, chuyện David Chương nhờ tôi đưa tiền cho Phượng. Nhi cắt ngang lời tôi: “Vậy anh đưa cho nó chưa?”. Tôi lắc đầu, tôi bảo sẽ cùng Phượng đưa má cô ta vào BV rồi tôi thanh toán toàn bộ viện phí, lấy hóa đơn gửi qua Mỹ cho bạn tôi thì Nhi cười khẩy: “Má nó giờ này đang đánh bài tứ sắc ở nhà chứ ung thư ung trứng gì”.
Theo lời Nhi, “Hội câu Sài Gòn” của Phượng gồm 6, 7 người, đôi lúc lên đến 10 người, tất cả đều có học, nhiều người nói tiếng Anh như gió: “Em cũng tham gia với tụi nó…” nhưng có lẽ biết mình nói hớ nên Nhi thòng thêm: “Mà thấy kiểu này không thọ nên em rút lui lâu rồi”. Vẫn theo lời Nhi, những cô trong nhóm “Hội câu Sài Gòn” thường xuyên săn lùng con mồi trên các trang mạng kết bạn bốn phương như VietS, VietCute, Twoo, Badoo…

Hễ thấy ông Việt kiều nào cỡ từ 50 – 60 tuổi trở lên, lai lịch, nghề nghiệp coi được – nghĩa là khả năng có “đôla” là họ tạo hồ sơ làm quen: “Quá trình làm quen thì cũng y như ông bạn anh vậy – cũng bắt đầu từ email, cũng chat.. Con Phượng anh gặp hồi nãy chẳng hạn, có thời gian nó quen 9 ông, có ông nó là em kết nghĩa, có ông nó là cháu tinh thần và có ông nó là người yêu bé bỏng. Anh mà thấy nó chat anh mới kính nể. Cùng một lúc, nó chat với cả… 9 ông nhưng ông nào cũng tưởng nó chỉ chat với một mình ổng”.
Khác với gái mại dâm, gái chat sex kiếm tiền bằng cách cởi quần áo ra rồi kêu con mồi nạp thẻ cào điện thoại để được xem cởi tiếp, “Hội câu Sài Gòn” khi chat ăn mặc khá kín đáo và chỉ làm như vô tình để hở những chỗ cần hở, nói năng rất tình cảm, lịch sự. Khi biết chắc cá đã cắn câu, họ đột ngột không liên lạc nữa để tạo cho con mồi tâm lý lo âu, thắc mắc. Sau đó họ mới đưa ra lý do “má em bệnh”, hoặc “em bị mất xe”, hoặc “em bị giật cái túi xách, mất điện thoại, laptop, mất giấy tờ, mất hết cả tiền”, “em bị tai nạn”, “nhà em bị bão thổi sập”…
Và thế là không nhiều thì ít, những đồng đôla bay về. Nhi kể có ông Việt kiều “7 bó” ở Mỹ, sau thời gian quen nhau trên mạng với một cô trong “hội”, ông về Việt Nam để gặp người tình trong mơ. Qua vài lần đi chơi, ăn uống với nhau, cô gái bé bỏng của ông than thở, rằng đi làm mà không có xe, phải đi xe buýt cực muốn chết. Ông hỏi chiếc xe gắn máy bây giờ khoảng bao nhiêu tiền, cô nói mua xe mới đắt lắm nhưng cô có người bạn đang muốn bán lại chiếc Dylan, hồi đó mua gần 100 triệu nhưng vì là chỗ thân tình nên bạn cô “để rẻ” cho cô 60 triệu thôi.

Vậy là, ông Việt kiều móc túi đưa cô 3.000 “đô” mà không hề biết chiếc Dylan đó là hàng nhái của Tàu, chủ nhân của nó đã chạy đến rệu rã và rao bán với giá chỉ 6 triệu bạc. Thế đã hết đâu, trước khi mua, cô ta gặp chủ xe đặt điều kiện là sau 1 tháng cô ta sẽ bán lại với giá… 3 triệu đồng! Tới hồi ông Việt kiều về Mỹ hôm trước thì hôm sau, chiếc Dylan Tàu lại hồi quy chính chủ!
Sống bằng nghề “câu” thông qua email, chat chit nên thường thì đêm nào cũng vậy, các cô trong “Hội câu Sài Gòn” chat với những người tình già đến 2, 3h sáng. Gần trưa ngủ dậy, sau khi trang điểm, họ hẹn nhau tại một quán cà phê nào đó để trao đổi “kinh nghiệm nghề nghiệp”. Với các cô, con mồi lý tưởng nhất là những con “cá” già, vợ chết hoặc đã ly dị, càng già càng dễ câu. Nhi nói: “Nhưng cũng có số anh ơi. Có đứa gửi 10 thư thì được trả lời cả 10 thư. Có đứa đêm nào cũng thức nhưng suốt năm bảy tháng mà chẳng có “cá” nào đoái hoài, túi lúc nào cũng “rỗng”.

Tôi hỏi trong “Hội câu Sài Gòn” có cô nào tên Giang, quen với một Việt kiều Mỹ tên Tâm?”. Nhi nhíu mày suy nghĩ rồi hỏi lại tôi: “Anh tả hình dáng nó coi”. Tôi lắc đầu không biết vì tôi đã gặp lần nào đâu, chỉ biết Giang là tên thật trong giấy tờ. Nhi nói: “Tụi nó mỗi đứa có cả chục tên. Như con Phượng chẳng hạn, quen với bạn anh nó lấy tên Ái Liên, quen với Việt kiều Đậu nó lấy tên Hoài Thương, ngay cả tên Phượng cũng không biết có phải tên thiệt của nó không nữa”.
Câu chuyện càng lúc càng sôi nổi vì dưới mắt Nhi, tôi và bạn tôi – David Chương suýt chút nữa là nạn nhân của “Hội câu Sài Gòn”. Năm ngoái trong hội này có một cô tên Yến trúng quả rất “đậm”. Số là khi lên mạng, Yến gặp được một ông Việt kiều xấp xỉ “7 bó” ở Ottawa, Canada. Chẳng hiểu cô ta tán tỉnh thế nào mà chỉ một thời gian ngắn “yêu nhau”, mỗi tháng ông “kiều” này đều đặn gửi về cho cô 2 “vé”. Được hơn nửa năm, ông bay về Việt Nam gặp Yến.

Nhi kể: “Mặc dù nó không kể nhưng cả hội đều biết nó câu được “con cá mập” qua việc nó mua chiếc xe Piaggio Liberty, mua điện thoại iPhone, đồng hồ Omega, dây chuyền vàng cùng một mớ quần áo, giày dép mới. Căn phòng ở mướn của nó có tivi đời mới, tủ lạnh, bếp ga”.
Chưa hết, biết chắc 6 tháng mùa đông ông già này rất khổ sở vì bệnh thấp khớp nên Yến đưa ông ta đến xem một lô đất rồi nói rằng đấy là đất của cô, chỉ vì cô chưa có tiền chứ nếu không, cô sẽ cất một căn nhà rồi cứ đến mùa đông, ông về ở với cô cho ấm cúng!

Một tháng sau, ông Việt kiều trở lại Canada rồi chuyển cho Yến tổng cộng 60.000 USD để xây nhà, mà là chuyển “chui”. Nhưng sau nhiều lần giục cô gửi hình nhà cửa qua cho ông xem mà Yến vẫn cứ lờ đi như không biết, ông bèn nhờ một người quen đến tận nơi tìm hiểu. Lúc biết miếng đất đó là của người khác, còn cô người yêu bé bỏng thì đã xóa hồ sơ trên trang web VietS, gửi email cô không trả lời, số điện thoại cũng không liên lạc được thì ông “kiều” Canada mới té ngửa bởi lẽ phần lớn tiền dành dụm từ lương hưu, ông đã đổ vào căn nhà trong mơ cả rồi. Bây giờ “bắc thang lên hỏi ông trời, đem tiền cho gái có đòi được không”.
Mở điện thoại cho tôi xem hình ông già này và Yến vai kề vai, má kề má trong dịp Yến mời cả hội đi ăn lúc ông mới từ Canada về, Nhi nói: “Anh để ý quần áo nó coi, lèng xèng hết sức. Vậy mà chỉ vài tuần sau – Nhi cho tôi xem tiếp tấm hình Yến ngồi vắt vẻo trên chiếc Piaggio – nó lột xác y như chuyện thần tiên”.

Trong suốt cuộc nói chuyện, Nhi có vẻ rất ghét Ái Liên (Phượng) vì mỗi lần nhắc đến cô này, Nhi lại nói bằng một giọng khá hằn học. Có lẽ vì thế mà lúc thấy tôi ngồi với Phượng, Nhi đã hỏi về “lão già Thụy Sĩ” một cách cố ý chứ chẳng phải vô tình. Chắp nối những tình tiết mà Nhi kể, tôi hình dung ra câu chuyện: Nhi câu được ông Việt kiều 71 tuổi, tên Đ., đi học bên Mỹ từ trước giải phóng rồi ở lại làm chuyên viên lắp ráp máy bay cho Hãng Boeing, giờ nghỉ hưu. Mỗi năm, ông Đ. chỉ ở Mỹ 6 tháng còn 6 tháng ông về Việt Nam ăn chơi nhảy múa.
Một bữa, ông cùng bạn bè đến một quán vọng cổ “hát với nhau” ở quận 5 thì gặp Nhi, là “đào” của quán này. Thấy ông già “7 bó” mỗi lần vào hát lại vung ra vài ba triệu, Nhi chủ động tấn công. Đang trong giai đoạn thả mồi bắt cá, chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà Nhi lại mời ông Đ. đi ăn sáng với “Hội câu Sài Gòn” nên ông lọt vào mắt xanh của Phượng.

Do Phượng trẻ hơn, xinh hơn, lại khéo chiều chuộng hơn nên chưa đầy 2 tuần lễ, ông Đ. “bái bai” quán vọng cổ của Nhi rồi thuê một căn hộ trong khu Phú Mỹ Hưng, đưa Phượng về sống mặc dù ông vẫn còn một căn nhà to đùng ở mặt tiền đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, do con trai và con dâu ông trông nom. Sau hơn 1 năm, số tiền dành dụm trong tài khoản của ông ở ngân hàng hầu như hết sạch. Nhi nói, giọng rất cay cú: “Con Phượng hốt của cha già đó không dưới 50.000 USD”.
Chưa xong, lúc gần hết tiền, chẳng hiểu có phải Phượng xúi hay không mà ông Đ. về kêu con… bán nhà, ông sẽ chia cho vợ chồng thằng con một nửa. Vẫn theo lời Nhi: “Nhà ổng kêu giá 11 tỷ mà không biết bán được chưa. Bữa nào rảnh anh ghé tới hỏi coi, ổng thường có nhà lúc 3, 4h chiều… Em nói thiệt chứ không nói xạo”.

Để kiểm chứng lời Nhi, 4h chiều Thứ tư tôi ghé địa chỉ mà Nhi đã cho, giả như người đang tìm mua nhà. Đúng như Nhi nói, ông Đ. ở trần, mặc quần short tiếp tôi. Ông hỏi ai giới thiệu mà biết nhà ông đang cần bán? Tôi trả lời “Dạ nghe… Hoài Thương nói”. Ông già “7 bó” trố mắt nhìn tôi: “Cậu quen Thương hả?” rồi mời tôi vào, dẫn đi coi từng phòng: “Có người trả tôi 10,6 tỷ mà tôi chưa bán. Cậu là người quen nên tôi nói thiệt, chắc giá 10,7 tỷ, không bớt đồng nào. Nếu cậu OK thì bữa nào đặt cọc rồi làm giấy tờ”.

Đến tối, lúc đang ngồi viết bài này thì điện thoại tôi reo, trên màn hình là số của Phượng. Cầm máy lên, tôi nghe cô hỏi: “Bữa qua đến giờ anh có liên lạc được với anh Chương không?”. Tôi đáp: “Có email cho ảnh để kể về chuyện vì sao chưa đưa em tiền”. Phượng nói: “Em gọi 3 lần mà ảnh không bắt máy. Mấy lần sau máy lúc nào cũng bận. Em email, nhắn tin cho ảnh cũng không thấy trả lời. Chẳng biết ảnh có đau ốm hay gặp chuyện gì không”.
Một lần nữa, tôi lại cố nín cười: “Không có anh Chương thì vẫn còn… anh Đ., nghe nói ảnh sắp bán được nhà rồi mà”. Đầu bên kia im bặt một lúc rồi giọng Phượng rít lên: “Ê, tôi quen ai thì kệ cha tôi chớ, mắc mớ gì đến mấy người…”.
Nửa tiếng sau đó, tôi vào lại trang web VietS thì hồ sơ mang tên Ái Liên đã hoàn toàn biến mất.
Chúc vui vẻ

Posted by Việt Anh
http://www.thanhnientudo.com

Hỏi đáp Y học: Bệnh virus Ebola

25-10-14
Nguồn gốc bệnh
Virus Ebola là một virus đang gây chết chóc ở Tây Châu Phi. Tên đặt theo tên thung lũng con sông Ebola ở Zaire (nay là Cộng hoà Dân chủ Congo), nơi "outbreak" (nhóm ca bệnh/bộc phát bệnh) đầu tiên được ghi nhận (1976). Cho đến nay, con số chính thức cho biết có chừng 8.400 người đã bị Ebola, trong đó hơn 4.000 người đã chết. Trong hơn 400 nhân viên y tế bị mắc bệnh, trên 200 người đã chết. Những xứ sau đây ở Tây Phi châu là chính: Guinea, Liberia, Sierra Leone, Nigeria, Senegal.
25 năm sau, biến cố Ebola xảy ra khi một số con khỉ dùng trong thí nghiệm khoa học đem từ ngoại quốc vào ở Reston, Mỹ, bệnh virus Ebola (Ebola Virus Disease [EVD] hay sốt xuất huyết Ebola (SXH Ebola, Ebola Hemorrhagic Fever [EHF]) đã trở thành một mối đe doạ sức khoẻ không những cho Châu Phi, mà cho cả toàn thế giới. Mặc dù Tổng thống Mỹ đã ra lệnh cho 3.000 quân đội Mỹ tham gia trực tiếp nỗ lực quốc tế chống virus này lan tràn, nhưng theo Tổng thống Obama, trong những tháng tới có thể hàng triệu người ở châu Phi sẽ bị nhiễm, và nếu cộng đồng thế giới không kịp lo liệu, sẽ có thể hàng trăm ngàn người sẽ tử vong vì bệnh này.
(Tuy cũng gọi là "bệnh sốt xuất huyết", bệnh SXH ở Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á, Puerto Rico (Mỹ), Nam Mỹ và các đảo trong biển Caribbean hiện nay do virus tên dengue, được muỗi thành phố (Aedes) mang virus, chích vào bệnh nhân và truyền virus vào dòng máu của bệnh nhân. Bệnh dengue cũng gây nóng sốt, đau nhức dữ dội (nên còn gọi là “breakbone fever”) và những triệu chứng xuất huyết, bầm tím trong da; dengue gây tử vong ít hơn Ebola.)

Nguy cơ lây nhiễm
Dịch SARS bùng phát năm 2003, Thượng Hải, Trung QuốcDịch SARS bùng phát năm 2003, Thượng Hải, Trung Quốc

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, virus Ebola của Tây Phi có khả năng lan qua khu vực Đông Nam Á như Philippines vì những xứ này có công dân xuất khẩu lao động đi khắp thế giới. Tuy nhiên vùng Đông Á (hay Đông Nam Á) có thể được chuẩn bị tốt hơn các vùng khác vì trong những năm trước từng đối phó với những dịch cúm, cúm gà, SARS (bệnh "hội chứng suy hô hấp bán cấp tính"). Mỹ và Anh đang yêu cầu Phillipines gửi nhân viên y tế qua Tây Phi, nơi mà giới y tế địa phương đang muốn bỏ cuộc vì nhiều bác sĩ và y tế bị chết sau khi tiếp xúc với bệnh (10-12-2014).
Virus Ebola được truyền từ người này qua người khác do những chất lỏng (fluid) của cơ thể (nước miếng, phân, nước tiểu, máu, tinh dịch). Gần đây người ta thấy virus ebola còn tồn tại trong tinh dịch (sperm) của người bệnh sau khi người đó đã hồi phục khỏi bệnh. Virus được nhiễm vào cơ thể qua do tiếp cận trực tiếp [direct contact, đụng chạm trực tiếp, không phải bay qua không khí, theo CDC] các niêm mạc (mũi, miệng), qua các vết nứt trong da, và qua đường không phải đường ăn uống (parenteral; (ví dụ trước đây, một người khảo cứu người Anh bị nhiễm Ebola lúc rút máu từ các con chuột thí nghiệm bị bệnh, nhưng sau đó, nhờ truyền máu của người đã phục hồi khỏi bệnh, anh ta được cứu sống). Bệnh thường tiến triển nhanh đến mức hệ miễn nhiễm không đủ thời gian để dựng nên phản ứng đề kháng.
Bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital Dallas, nơi ông Thomas Duncan được chữa trị.Bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital Dallas, nơi ông Thomas Duncan được chữa trị.

Tại Texas, Mỹ, bệnh nhân đầu tiên từ Liberia, Tây Phi, ông Thomas Eric Duncan, không có triệu chứng lúc bay qua Mỹ, sau đó nóng đến 103 độ F, vào khám bệnh viện Texas Health Presbyterian (26.9.2014), do sơ sót không để ý đến lời khai bệnh nhân vừa đến từ châu Phi, phòng cấp cứu biên toa cho về nhà. Hai ngày sau bệnh nhân trở lại, nhập viện và chết 11 ngày sau đó (ngày 8 thg 9-2014). Brincidofovir, một thuốc trong vòng thử nghiệm được dùng trong trường hợp này. Thuốc Zmapp không được dùng cho bệnh nhân này. Ngày 12 tháng 10, có tin nhân viên y tế Nina Phạm săn sóc cho ông Duncan đã lên cơn sốt và được xác nhận nhiễm Ebola. Giám đốc CDC bác sĩ Thomas Frieden cho rằng nhân viên y tế bị nhiễm đã sơ hở trong một bước nào đó của quy trình che chở chính bản thân ("a breach in protocol," ví dụ tháo găng tay không đúng cách, để phía ngoài găng chạm vào da mình). Sau đó bác sĩ Frieden phải xin lỗi rút lại câu nói đó, và nói chúng ta phải “suy nghĩ lại” (rethink) cách mà chúng ta chống lại Ebola. Ngày 15 tháng 10, thêm một nhân viên điều dưỡng được định bệnh nhiễm Ebola.

Một nữ y tá người Tây Ban Nha bị nhiễm, bà Teresa Romero, là người đầu tiên bị nhiễm bệnh Ebola tại Châu Âu (30/9/2014). Hồi cuối tháng 9-2014, bà phụ trách cho một nhà truyền giáo mắc bệnh ở Tây Phi về Tây Ban Nha để chữa trị, sau đó ông này chết vì bệnh Ebola. Bà chỉ có tiếp xúc với ông này hai lần, một lần để thay tã lót cho bệnh nhân, và lần sau để dọn dẹp phòng bệnh nhân sau khi bệnh nhân qua đời. Người ta nghi bà nhiễm virus Ebola vì sau khi làm việc xong, gỡ bỏ găng tay, bà đã lỡ đụng mặt ngoài găng tay lên mặt mình (phía mặt ngoài găng bị nhiễm các chất từ cơ thể người bệnh và có chứa virus). Mấy ngày sau bà ngã bệnh, và sợ bệnh lan ra, con chó của bà cũng bị toà án ra lệnh cho giết chết một cách nhân đạo và hỏa thiêu. Bà Romero được chữa bằng thuốc đang trong vòng thí nghiệm, tên Zmapp, và cho đến hôm nay, ngày 11 tháng 10, tình hình có vẻ khả quan hơn đôi chút.

Triệu chứng EVD
•    Nóng sốt (trên 38.6C hay 101.5F)
•    Nhức đầu dữ dội
•    Đau bắp thịt, yếu ớt, mệt mỏi
•    Ói mửa, tiêu chảy, đau bụng
•    Xuất hiện các vết bầm tím
•    Các triệu chứng xuất hiện 8-10 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh (thời gian ủ bệnh nhanh có thể trong hai ngày, lâu đến 21 ngày)
Mexico phát tờ rơi tuyên truyền về các triệu chứng của bệnh Ebola cho người dân hay đi lại giữa biên giới Hoa Kỳ và MexicoMexico phát tờ rơi tuyên truyền về các triệu chứng của bệnh Ebola cho người dân hay đi lại giữa biên giới Hoa Kỳ và Mexico

Sau giai đoạn ban đầu với triệu chứng tương tự như cúm, (flu-like symptoms) bệnh nhân có thể nổi ban (skin rash) đến giai đoạn tiêu hoá, xuất huyết: chảy máu ngoài da, mũi, âm đạo, ói ra máu, đi cầu ra máu. Trong giai đoạn cuối cùng, hiện tượng suy nhiều bộ phận (phổi làm khó thở, suy gan, suy thận; multi-organ failure) và shock có thể xảy ra, và có thể chết.
•    Tỷ lệ tử vong trung bình là 50%, trong quá khứ tỷ lệ này biến đổi từ 25% cho đến 90%.
•    Những nhóm ca bệnh đầu tiên bộc phát (outbreaks) ở những ngôi làng xa xôi nằm cạnh rừng Trung tâm Phi Châu; tuy nhiên gần đây những dịch bộc phát ở các trung tâm đô thị lớn cũng như ở nông thôn.
•    Thành công ngăn chặn các ổ dịch này tuỳ thuộc vào sự phối hợp các cố gắng nhiều mặt của cộng đồng liên hệ thành một "gói" (package): như phát hiện trường hợp bệnh, theo dõi các trường hợp tiếp cận với bệnh, chôn cất, phòng thí nghiệm, giáo dục quần chúng. Dân chúng ở vùng xa xôi ở Châu Phi vẫn tin là bệnh Ebola do bệnh nhân bị bùa phép gây nên (witchcraft) và người da trắng mang mầm bệnh, cho nên gần đây dân địa phương ở Guinea giết một nhóm tám người gồm người hoạt động xã hội, nhà báo đi vào các làng để phát hiện và cô lập các ca bệnh và giáo dục quần chúng.

Biện pháp phòng ngừa
•    Theo CDC, nếu chúng ta đến vùng có dịch Ebola, cần rửa tay bằng xà phòng, thuốc sát trùng. Tránh đụng đến máu và những chất lỏng từ cơ thể người khác (body fluids)
•    Đừng đụng tới những dụng cụ, áo quần, giường chiếu đã tiếp xúc với người bệnh.
•    Tránh các tang lễ, chôn cất ở đó phải đụng tới ("handling") xác người bệnh
•    Tránh tiếp xúc với dơi, khỉ (linh trưởng/primates), không ăn thịt sống, máu, các chất lỏng từ cơ thể chúng (body fluids).
•    Tránh các bệnh viện ở Tây Phi ở đó người ta chữa các bệnh nhân bị nhiễm Ebola.
•    Nếu từ Tây Phi về, theo dõi tình trạng sức khoẻ mình trong 21 ngày. Nếu có triệu chứng nhiễm Ebola, cần đi khám bệnh ngay (nên báo trước cho nơi mình đến khám là mình có thể bị nhiễm Ebola để người ta chuẩn bị các biện pháp cách ly cần thiết như cho bệnh nhân vào phòng riêng, người khám mang áo, mặt nạ bảo vệ, v..v)

Biện pháp quốc tế ngăn chặn bệnh lan rộng
Hành khách đo nhiệt độ cơ thể trước khi bayHành khách đo nhiệt độ cơ thể trước khi bay

•    Hiện nay để ngăn chặn bệnh lây lan qua Mỹ, tại phi cảng một số thành phố như Chicago, Washington DC (Dulles Airport), New York những hành khách đến từ Liberia, Sierra Leone, Guinea được đo nhiệt độ lúc mới đến (bằng tia hồng ngoại, không chạm đến bệnh nhân) và được nhân viên chính phủ Mỹ hỏi một số câu hỏi về tình hình sức khoẻ của họ, và khả năng họ có tiếp xúc, hay bị phơi nhiễm (exposed) với người nhiễm virus Ebola hay không. Nếu có nguyên nhân để nghi ngờ, như nhiệt độ lên cao (nóng sốt), hay triệu chứng khả nghi, những người này bị cách ly và đem đến bệnh viện để được khám và theo dõi. Có người chỉ trích biện pháp này là không hữu hiệu lắm vì sẽ không phát hiện những người trong thời kỳ tiềm ẩn (có thể kéo dài ba tuần lễ, trong khi mà bệnh nhân chưa có triệu chứng gì cả), những người cố tình dấu bệnh sử của mình đã tiếp xúc với nguồn bệnh hoặc những người lên máy bay thì phát bệnh, và có thể lúc phát hiện được thì máy bay đã đem các hành khách bị phơi nhiễm đi nơi khác.

Các phương pháp định bệnh virus Ebola
•    Phát hiện những thành phần vật liệu di truyền của virus bằng PCR (Polymerase Chain Reaction=phản ứng dây chuyền dùng men polymerase), có thể âm tính giả trong mấy ngày đầu và phải đợi 3-5 ngày sau khi phát triệu chứng mới có phản ứng dương.
•    Phát hiện kháng thể của cơ thể chống ebola (ELISA=Enzyme-linked Immunosorbent Immunoassay), có thể phải đợi lâu hơn ba ngày, để hệ miễn nhiễm cơ thể có thời gian sản xuất kháng thể tới mức phát hiện được (sau đó thì sản xuất mạnh trong thời kỳ hồi phục)
•    Cấy virus ebola; chỉ thực hiện được ở một số phòng thí nghiệm được trang bị đặc biệt và an toàn.
•    Hiện nay, không thể dùng những thử nghiệm này để kiểm tra tất cả mọi người bị sốt đến từ Châu Phi được, và người ta chỉ thử máu những người đến từ các nơi có nguy cơ nhiễm Ebola cao (theo bác sĩ Sandro Cinti, chuyên về bệnh nhiễm, thuộc bệnh viện Đại học Michigan.)

Cách chữa trị
•    Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị Ebola. Bệnh nhân được cung cấp cho đủ nước, (rehydration) chữa theo triệu chứng, hỗ trợ để cải thiện tình hình chung của bệnh nhân. Những thuốc chữa dùng biện pháp miễn nhiễm (dùng kháng thể chống Ebola) còn đang trong vòng nghiên cứu, thí nghiệm.
Nhà truyền giáo ở Tây Ban Nha dù được chích Zmapp nhưng vẫn không qua khỏi.Nhà truyền giáo ở Tây Ban Nha dù được chích Zmapp nhưng vẫn không qua khỏi.

•    Zmapp là một thuốc chích tĩnh mạch, Zmapp (do tên hãng Mapp Biopharmaceuticals, một trong hai hãng cùng phát triển ra thuốc này), được nghiên cứu từ bảy năm nay và cho tới nay chỉ được thí nghiệm với kết quả tốt trên những con khỉ macaque, nhưng chưa bao giờ được dùng trên người. Hai trong ba kháng thể Zmapp cung cấp cho người bệnh đến bám chặt vào một protein trên vỏ ngoài của virus Ebola và không cho virus hoạt động tấn công tế bào người bệnh (đây là một loại chủng ngừa tạo nên miễn nhiễm thụ động). Một trong ba kháng thể báo động cho hệ miễn nhiễm biết tế bào nào của cơ thể đã bị nhiễm virus và do đó hệ miễn nhiễm sẽ tiêu diệt các tế bào này.
•    Zmapp gồm ba kháng thể đơn dòng (cocktail of monoclonal antibodies) được sản xuất trong kỹ nghệ sinh học (genetic engineering), bởi những cây thuốc lá (“plantibodies”=kháng thể do thực vật [cây] sản xuất). Các cây thuốc lá này đã được công nghệ sinh học biến đổi để có khả năng sản xuất các kháng thể theo ý muốn, theo sự hướng dẫn của những gene thu hoạch từ tế bào chuột từng phơi nhiễm với virus Ebola và tế bào myeloma của người. Đáng thú vị là thuốc này là kết quả của những nghiên cứu của kỹ nghệ thuốc lá (hãng Reynolds), kỹ nghệ quốc phòng về chiến tranh sinh học (biodefense) và của hai nước Mỹ và Canada.
•    Hãng KentuckyBioProcessing (một công ty con của công ty thuốc lá Reynolds) phụ trách sản xuất Zmapp. Một protein đặc biệt được chích vào lá cây thuốc lá được trồng vài tuần, một tuần sau thì cây sản xuất đủ thuốc trong lá để được trích tinh.
•    Có hai nhân viên y tế Mỹ và một người Anh làm việc tại Phi Châu được đặc cách dùng thuốc này và khỏi bệnh. Trái lại, nhà truyền giáo người Spain, 75 tuổi, chết vì bệnh mặc dù được chích Zmapp.
•    Đầu tháng 10, các khoa học gia Thái ở Đại học Mahidol công bố đã dùng những gene người để sản xuất ra một kháng thể nhỏ đến mức có thể chui vào virus ebola và ngăn chúng sinh sản. Tuy nhiên họ không có khả năng tiếp cận với mẫu virus Ebola và cần sự giúp đỡ của Mỹ mới có thể xúc tiến thêm về khảo cứu này để hy vọng, nếu thành công, áp dụng được trên lâm sàng (theo VOA).
•    Convalescent serum hay hemotherapy: như trường hợp cô điều dưỡng Nina Phạm đang được chích huyết thanh hay máu từ một bác sĩ Mỹ đã hồi phục, ông bác sĩ này trước khi được chữa bằng Zmapp, cũng từng được chích máu hay huyết thanh của một cậu bé châu Phi 15 tuổi mà ông ta đã chữa khỏi.
•    Có hai thuốc chủng ngừa đang được xét để đi vào áp dụng phổ biến trên người. Theo WHO, hy vọng qua năm 2015, vaccine sẽ có thể được áp dụng giới hạn cho nhân viên y tế hay ở tuyến đầu các vùng bị dịch; việc áp dụng vaccine rộng rãi cũng như trị liệu dùng máu hay huyết tương của người từng bị nhiễm bệnh và hồi phục chắc phải đợi lâu hơn.
Tóm lại, từ ngày virus Ebola được khám phá ở châu Phi năm 1976 đến nay, đã có nhiều nhóm bệnh bộc phát và nhiều khảo cứu đem lại một số lượng kiến thức nhất định về chẩn bệnh, dịch học và trị liệu. Tuy nhiên, đây là cơn bộc phát lớn nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá làm những nơi xa xôi nhất xích lại gần nhau một cách nguy hiểm. Y giới đang phải học những bài học mới, xét lại cách thức làm việc của bệnh viện cũng như nhân viên điều dưỡng, "suy nghĩ lại" (rethink, theo lời bác sĩ Frieden của CDC), để đối phó với một tình huống nghiêm trọng mới khởi đầu, có thể ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Ngày 14 tháng 9, CDC loan báo sẽ gửi một ê kíp chuyên gia chuyên về virus ebola, trong vòng vài giờ, đến bất cứ bệnh viện nào có xác nhận một trường hợp Ebola. CDC đang nghĩ tới biện pháp chuyển tất cả bệnh nhân nhiễm ebola, nếu có, về chữa tại chừng bốn đơn vị chuyên môn có những "đơn vị ngăn chặn sinh học" (biocontainment unit), điều mà một bệnh viện trung bình khó thực hiện được, trái với ý kiến trước đây cho rằng bất cứ bệnh viện nào ở Mỹ cũng đủ khả năng chữa các bệnh nhân nhiễm ebola.
Tài liệu tham khảo:
1)    Trung tâm Kiểm soát Bệnh Mỹ (CDC)
http://www.cdc.gov/vhf/ebola/prevention/
2)    Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO)
http://www.who.int/csr/disease/ebola/en/
3)    CNN: Ebola screenings begin at JFK; four more airports start next week
http://www.cnn.com/2014/10/11/health/ebola/index.html
4)    Ebola 'Secret Serum': Small Biopharma, The Army, And Big Tobacco
http://www.forbes.com/sites/erincarlyle/2014/10/11/confirmed-facebooks-mark-zuckerberg-paying-more-than-100-million-for-kauai-property/
5)    Brenda Goodman: Experimental Ebola Serum Grown in Tobacco Leaves
http://www.webmd.com/news/20140804/ebola-virus-vaccine
6)    http://www.cbsnews.com/news/how-doctors-test-for-ebola/

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
---------------------------------------
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com