Viêm gan virút B là bệnh truyền nhiễm thường gặp do virus viêm gan B
(HBV=Hepatitis B virus) gây nên. Bệnh có thể bị nhiễm qua đường máu như
tiêm chích, truyền máu, nhổ răng, châm cứu, làm móng, hay các thủ thuật
xâm lấn… bởi các dụng cụ bị nhiễm virút. Ngoài ra, nhiễm trùng HBV còn
có thể xảy ra qua con đường tình dục, mẹ truyền cho con trong quá trình
sinh nở…
Hiện nay, toàn thế giới
có khoảng 2 tỉ người bị nhiễm virus HBV và hơn 350 triệu người bị nhiễm
chuyển sang giai đoạn mạn tính. Viêm gan B khá phổ biến ở các nước đang
phát triển như Châu Phi, hầu hết Châu Á và Vùng Thái Bình Dương, Việt
Nam nằm trong vùng có tỉ lệ lây nhiễm cao. Nó đã và đang là mối quan tâm
sức khỏe toàn cầu khá quan trọng đồng thời là một trong các bệnh truyền
nhiễm thường gặp nhất.
Mặc dù, nhiều người bị
nhiễm virus viêm gan B mạn có thể sống lâu và khoẻ mạnh, nhưng vẫn có
tới 10 – 40% người bị viêm gan B sẽ tiến triển thành xơ gan , ung thư
gan nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Việc tìm hiểu các kiến
thức về bệnh là rất cần thiết cho cả những người mang virus và không.
Chúng tôi xin cung cấp một số thông tin để bạn đọc hiểu thêm về bệnh
này.
Bạn nên làm gì khi bị nhiễm siêu vi viêm gan B ?
Khi kiểm tra máu phát
hiện mình bị nhiễm siêu vi viêm gan B, bạn không nên quá lo lắng mà bạn
hãy bình tĩnh và nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kỹ về quá
trình theo dõi cũng như điều trị. Ngoài ra sự thay đổi trong lối sống
cũng có thể một phần giúp bạn kiểm soát được viêm gan B – một lối sống
lành mạnh cũng giúp bảo vệ gan của bạn và ngăn ngừa sự tiến triển đến xơ
gan, ung thư gan:
Ăn uống hợp lý:
Chế độ ăn tốt nhất chỉ chứa vừa đủ chất dinh dưỡng và năng lượng thiết
yếu tuy nhiên cũng không nên kiêng khem quá mức mà cần cân đối, đa dạng
đủ chất đạm, hạn chế chất béo, giảm muối, uống nhiều nước…
Nên ăn các loại thực
phẩm giàu đạm (thịt cá, trứng, sữa…), đường và vitamin như hoa quả tươi,
sữa chua…; giảm tối thiểu các thức ăn có mỡ, kể cả các món xào, rán;
kiêng tuyệt đối rượu bia. Uống rượu khi đang bị viêm gan B có làm bệnh
nặng hơn, có thể gây nên tình trạng nguy hiểm gây tổn thương gan và dẫn
đến xơ gan và ung thư gan; khi ốm cần phải sử dụng thuốc phải hỏi ý kiến
thầy thuốc để bảo đảm rằng loại thuốc đó không gây độc cho gan.
Đồng thời, phải giữ gìn
vệ sinh thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Vì gan là cơ quan có
chức năng chính là xử lý và đào thải chất độc cho cơ thể, nên khi bị ngộ
độc thực phẩm gan sẽ phải làm việc nhiều hơn, có thể đẩy nhanh thêm quá
trình tổn thương ở gan.
Vận động:
Tập thể dục tuy không thải trừ được virus ra ngoài nhưng có tác dụng
giúp bạn giữ và duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Bạn có thể đi bộ, tập bơi,
yoga hoặc thái cực huyền. Tuy nhiên cần nhớ là không nên tập luyện quá
sức vì có thể làm cho hệ miễn dịch của bạn yếu đi.
Bỏ thuốc lá:
Gan chịu trách nhiệm phân hủy các hoá chất độc hại và những chất nay
gồm có các chất độc trong khói thuốc. Để giữ cho gan khoẻ mạnh và cải
thiện tình trạng sức khoẻ chung cho cơ thể bạn và những người xung quanh
nên bỏ hút thuốc lá.
Thuốc lá, rượu, bia là những chất kích thích không tốt đến gan.
Thận trọng khi điều trị
với các thuốc và các loại thảo mộc: Một số trong các chất này được
chuyển hoá tại gan, nếu sử dụng sẽ làm tăng gánh nặng cho gan trong khi
vẫn phải đối phó với sự phá hủy của virus viêm gan B. Cần lưu ý các
thuốc kháng viêm không chứa steroid, acetaminophen và các thuốc từ thảo
mộc có thể gây độc cho gan, vì vậy khi cần sử dụng phải có sự hướng dẫn
và tư vấn của bác sỹ.
Nên làm thế nào để tránh lây nhiễm cho người khác?
Khi được phát hiện bị
nhiễm virus viêm gan B, nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh đặc biệt
là những người thân là một mối quan tâm cần thiết. Trước hết những người
thân như cha mẹ, anh em ruột, vợ chồng, con cái cần được xét nghiệm để
xem có bị nhiễm siêu vi viêm gan B chưa và nên có sự tư vấn của bác sỹ
chuyên khoa. Có thể tiêm vaccine nếu cần thiết.
Nếu bạn chưa bị nhiễm
tốt nhất nên được tiêm vaccine để phòng ngừa. Người mang virus cần có
biện pháp đề phòng như: không dùng chung các vật dụng cá nhân có nguy cơ
lây nhiễm (bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ cắt móng tay…);
tránh làm vây máu khi bị vết thương, hãy rửa sạch máu bằng nước và thuốc
sát trùng. Nên sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục. Thực hiện
tình dục an toàn.
Bà mẹ có thai bị viêm gan B nên đến bác sỹ để tư vấn.
(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Đối với phụ nữ mang thai
có nhiễm virus viêm gan B với HBe dương tính có nguy cơ lây nhiễm cho
trẻ khi sinh là 90%, vì vậy cần phải được xét nghiệm HBsAg khi có thai
và nếu bà mẹ bị nhiễm cần được đến Bác sĩ chuyên khoa tư vấn điều trị
phòng ngừa lây nhiễm và chích ngừa cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu
sau sinh.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire