lundi 24 février 2014

Phát hiện sớm, điều trị và phòng ngừa ung thư đại tràng – trực tràng

2014


dai trang1 Phát hiện sớm, điều trị và phòng ngừa ung thư đại tràng   trực tràng

1. UNG THƯ LÀ GÌ?

Ung thư là tình trạng tế bào trong một bộ phận của cơ thể bắt đầu tăng trưởng, sinh sôi nẩy nở một cách quá mức. Tế bào bình thường sinh sản một cách có thứ tự và được qui định chương trình trước, còn tế bào ung thư thì không, chúng tăng trưởng tràn lan và lấn áp tế bào bình thường. Có nhiều loại ung thư nhưng chúng đều có chung đặc điểm là tăng trưởng một cách bất thường ngoài vòng kiểm soát.

Từng loại ung thư có diễn tiến khác nhau, thí dụ ung thư vú tiến triển khác ung thư phổi và ngược lại. Chúng tăng trưởng theo vận tốc khác nhau và đáp ứng với những cách điều trị khác nhau.

Đôi khi tế bào ung thư rời nơi khởi điểm theo dòng máu hoặc bạch huyết đến một vị trí khác của cơ thể và phát triển lên. Đó gọi là ung thư di căn. Dù ung thư đã đến vị trí mới nhưng vẫn mang tên của ung thư ở nơi khởi phát đầu tiên, thí dụ ung thư tiền liệt tuyến khi di căn qua xương vẫn được gọi là ung thư tiền liệt tuyến.
Khi bệnh nhân có vẻ đã khỏi bệnh nhưng ung thư trở lại, lúc này gọi là ung thư tái phát. Đây là tình huống rất thường gặp nhất là khi bệnh nhân đến khám quá trễ.

2. UNG THƯ ĐẠI – TRỰC TRÀNG LÀ GÌ?

Ung thư đại – trực tràng là ung thư phát khởi nguyên thủy từ ruột già, là phần cuối cùng của ống tiêu hóa.
Sau khi thức ăn được nhai, nuốt qua thực quản vào dạ dày, thức ăn được tiêu hóa rồi đi xuống ruột non. Đây là đoạn dài nhất trong ống tiêu hóa, hơn 6 mét chiều dài. Ruột non tiếp tục tiến trình tiêu hóa thức ăn rồi hấp thu lại chất bổ dưỡng. Ruột non tiếp nối với ruột già, còn gọi là đại tràng dài 1,5 mét. Đoạn đầu của đại tràng có chức năng hấp thu nước cùng chất bổ dưỡng và là nơi chứa chất bã. Chất bã thành phân đi xuống trực tràng, là 16 cm cuối cùng của ống tiêu hóa. Từ đây phân đi ngang hậu môn ra ngoài cơ thể bệnh nhân.
Đại tràng chia thành 4 đoạn. Ung thư có thể khởi phát từ bất cứ đoạn nào trên đại tràng hoặc trực tràng. Ung thư xuất phát từ lớp trong cùng của thành ruột (niêm mạc đại – trực tràng) sau đó  xâm lấn ra phía ngoài qua các lớp khác của thành ruột. Xác định giai đoạn (staging) là xem ung thư đã ăn lan đến đâu.
Ung thư ở mỗi vị trí trên khung đại tràng sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau, thông thường nhất là có máu trong phân. Trong đa số các trường hợp ung thư đại – trực tràng phát triển  âm thầm trong nhiều năm.
Ngày nay người ta biết ung thư khởi đầu bằng một tổn thương gọi là pôlíp, 5 đến 10 hay 25 năm sau, pôlíp trở thành ung thư. Cắt bỏ pôlíp sớm là cách phòng ngừa ung thư hữu hiệu nhất.
Trên 95% các ung thư đại – trực tràng là loại ung thư tế bào tuyến (adenocarcinoma). Loại ung thư này bắt nguồn từ tế bào của niêm mạc ruột già.

3. TỶ LỆ MẮC BỆNH UNG THƯ ĐẠI – TRỰC TRÀNG NHƯ THẾ NÀO?

Từ năm 1995, đã có được những số liệu ghi nhận ung thư tại Hà Nội và tại TP.Hồ Chí Minh. Kết quả của việc ghi nhận này cho biết được có bao nhiêu người mới được chẩn đoán là ung thư trên 100.000 dân hàng năm gọi là xuất độ ung thư. Hai bảng sau đây cho biết mười loại ung thư thường gặp ở Hà Nội và ở TP.Hồ Chí Minh.
Bảng 1: Mười vị trí ung thư thường gặp tại Hà Nội
STT
NAM NỮ
Vị trí Xuất độ Vị trí
Xuất độ
1 Phổi 34,0 Cổ tử cung
20,3
2 Dạ dày 26,7 Dạ dày
13,0
3 Gan 17,0 Phổi
8,6
4 Đại – trực tràng 9,5 Đại – trực tràng
6,4
5 Vòm hầu 6,5 Cổ tử cung
4,6
6 Thực quản 4,1 Buồng trứng
4,3
7 Da 2,1 Gan
4,0
8 Thanh quản 2.0 Thân tử cung
3,4
9 Tuyến tiền liệt 1,5 Tuyến giáp
2,0
10 Khoang miệng 0,8 Khoang miệng
0,3

Bảng 2: Mười vị trí ung thư thường gặp tại TP. Hồ Chí Minh
STT NAM NỮ
Vị trí Xuất độ Vị trí
Xuất độ
1 Gan 26,6 Cổ tử cung
28,6
2 Phổi 25,6
16,0
3 Dạ dày 17,0 Đại – trực tràng
10,0
4 Đại – trực tràng 14,8 Phổi
8,7
5 Tuyến tiền liệt 4,8 Dạ dày
8,2
6 Hốc miệng 4,6 Gan
5,6
7 Vòm hầu 4,5 Buồng trứng
5,2
8 Thực quản 4,3 Tuyến giáp
3,8
9 Lymphô 3,9 Thân tử cung
3,1
10 Bệnh bạch cầu 3,6 Bệnh bạch cầu
3,0

Thống kê nêu trên cho thấy ung thư đại trực tràng là loại ung thư đứng hàng thứ 3 thứ 4 của hai giới nam và nữ tại Việt Nam. Tại Mỹ mỗi năm có 106.680 trường hợp ung thư đại tràng và 41.930 ca ung thư trực tràng mới mắc phải. Tổng cộng 2 loại ung thư này gây ra 55.170 trường hợp tử vong hàng năm.
Tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng 15 năm sau này đã giảm. Một trong các nguyên nhân là do số ca bệnh giảm đi nhờ có nội soi đại tràng tầm soát tìm ra pôlíp và cắt bỏ phòng ngừa trước khi chúng hóa thành ung thư.
Ung thư đại trực tràng cũng có thể phát hiện sớm và như thế việc điều trị sẽ dễ dàng và thành công hơn.

4. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH LÀ GÌ?

Hiện nay chúng ta chưa biết nguyên nhân chính xác gây ra ung thư đại – trực tràng, tuy nhiên có những yếu tố nguy cơ chắc chắn làm bệnh nhân dễ mắc bệnh hơn như hút thuốc lá (có thể kiểm soát được), tuổi tác (không thể thay đổi được).

A/ Yếu tố nguy cơ gần của ung thư đại trực tràng:

Các nghiên cứu cho thấy những người có các yếu tố sau đây dễ bị mắc bệnh ung thư đại – trực tràng hơn những người không có các yếu tố này.
  •      Tuổi: 9/10 bệnh nhân bị ung thư đại – trực tràng trên 50 tuổi.
  •      Có ung thư đại – trực tràng trước đó: mặc dù đã cắt bỏ hết đoạn ruột bị ung thư nhưng dễ bị ung thư ở vị trí khác trên đại tràng.
  •      Có tiền sử bị pôlíp đại – trực tràng: vài loại pôlíp làm tăng nguy cơ bị ung thư đại – trựctràng, nhất là pôlíp có kích thước lớn hoặc có nhiều pôlíp.
  •      Có tiền sử mắc bệnh đường ruột: hai bệnh Viêm loét đại tràng và bệnh Crohn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại – trực tràng. Trong các bệnh này, đại tràng thường bị viêm kéo dài và niêm mạc có thể bị loét. Những bệnh nhân này cần được làm xét nghiệm theo dõi nhiều lần.
  •      Tiền sử gia đình: có người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư đại – trực tràng, nhất là thân nhân có quan hệ huyết thống gần thì nguy cơ mắc bệnh tăng cao, nhất là khi ung thư xảy ra trước tuổi 60. Các gia đình này cần làm các xét nghiệm tầm soát ung thư.
  •      Một số hội chứng bệnh gia đình: hội chứng là tập hợp nhiều triệu chứng. Ở một số gia đình, các thành viên có thể bị hàng trăm pôlíp trong đại tràng và trực tràng. Ung thư thường khởi phát từ một hoặc nhiều pôlíp loại này. Các thành viên trong gia đình cần được tầm soát ung thư ngay từ nhỏ và có khi cần phải được tư vấn về di truyền.
  •      Sắc tộc: người Do Thái ở Tây Âu dễ bị ung thư đại – trực tràng với tỷ lệ rất cao.
  •      Khẩu phần ăn: thức ăn chứa nhiều mỡ, nhất là mỡ động vật làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại – trực tràng.
  •      Thiếu vận động: người ngồi một chỗ dễ bị mắc bệnh ung thư đại – trực tràng.
  •      Béo phì: làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại – trực tràng.
  •      Hút thuốc lá: hầu như ai cũng biết hút thuốc lá dễ bị ung thư phổi. Nghiên cứu gần đây cho thấy người hút thuốc lá còn chết vì ung thư đại – trực tràng nhiều hơn người không hút 30-40%. Ngoài ra hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nữa.
  •      Uống rượu: uống rượu nhiều cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư đại – trực tràng.

B/ Các yếu tố nguy cơ xa (không chắc chắn):

Một số nghiên cứu cho thấy người có các yếu tố sau đây có thể dễ bị mắc bệnh ung thư đại – trực tràng hơn những người không có, tuy nhiên không chắc chắn lắm, cần phải nghiên cứu thêm.
  •      Sắc dân: dân Mỹ gốc Phi châu dễ mắc bệnh và chết vì ung thư đại – trực tràng, nguyên nhân chưa rõ.
  •      Tiểu đường: tăng nguy cơ mắc bệnh lên 30-40% so với người bình thường. Tỷ lệ tử vong cũng cao hơn.
  •      Làm việc ban đêm: một nghiên cứu cho thấy phụ nữ làm việc về đêm nhiều, ít nhất 3 lần mỗi tháng trong vòng 15 năm dễ bị ung thư đại – trực tràng hơn người bình thường.
  •      Mắc các ung thư khác hoặc điều trị ung thư: một nghiên cứu gần đây về ung thư tinh hoàn  cho thấy các bệnh nhân này dễ bị ung thư đại – trực tràng. Bệnh nhân nam bị ung thư tuyến tiền liệt sau khi xạ trị dễ mắc bệnh ung thư đại – trực tràng.
Các đối tượng nhiều nguy cơ nói trên cần được tầm soát sớm ung thư đại – trực tràng theo chế độ nghiêm ngặt hơn người bình thường.

5. TRIỆU CHỨNG CỦA UNG THƯ ĐẠI – TRỰC TRÀNG LÀ GÌ?

Triệu chứng của ung thư đại – trực tràng gồm:
  • Thay đổi về thói quen đi cầu như tiêu chảy, bón kéo dài.
  • Mắc cầu nhưng sau khi đi xong vẫn còn cảm giác mắc cầu.
  • Đi cầu ra máu, phân đen.
  • Đau bụng kéo dài.
  • Mệt mỏi.
Khi có các triệu chứng này chưa chắc là đã mắc bệnh ung thư đại – trực tràng. Tuy nhiên cần đến khám bác sĩ để xác định chắc chắn là có mắc bệnh hay không. Cũng cần lưu ý rằngđa số trường hợp ung thư đại – trực tràng diễn tiến âm thầm không có triệu chứng rõ rệt.
Nếu nghi ngờ người bệnh có khả năng mắc bệnh ung thư đại – trực tràng, bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về bệnh sử và thăm khám, sau đó sẽ cho bệnh nhân làm thêm một số xét nghiệm để xác định xem xem có bệnh hay không và nếu có bệnh thì ở mức độ nào.
Một số xét nghiệm có giá trị như các test tầm soát ung thư ở người không có triệu chứng là thử máu, nội soi trực tràng, X quang đại tràng cản quang và nội soi đại tràng.

6. LÀM THẾ NÀO ĐỂ XÁC ĐỊNH CHÍNH XÁC BỆNH?

     – Thử máu: để biết người bệnh có thiếu máu (giảm số lượng hồng cầu). Đa số bệnh nhân mắc bệnh ung thư đại – trực tràng bị thiếu máu do chảy máu số lượng ít ở bướu kéo dài.
     – Xét nghiệm chức năng gan: vì ung thư đại – trực tràng có thể di căn qua và gây rối loạn ở gan.
     – Tìm các chất chỉ điểm ung thư (tumor markers): cũng cần vì để theo dõi sau khi bệnh nhân được điều trị.
     – Sinh thiết: khi nội soi đại tràng, nếu thấy có tổn thương thầy thuốc sẽ lấy một mẩu mô đem thử và xem dưới kính hiển vi để xác định có tế bào ung thư hiện diện hay không.
    – Siêu âm: sóng siêu âm chỉ cho hình ảnh nội tạng trong cơ thể. Đây là xét nghiệm ít tiền và tiện dụng ở mọi nơi.
Có hai loại siêu âm đặc biệt:
  •        Siêu âm qua nội soi trực tràng để đánh giá mức độ xâm lấn của ung thư trực tràng.
  •        Siêu âm trong khi mổ để tìm di căn gan.
      – CT Scan (computed tomography): CT scan là dùng tia X quang tạo nên 1 ảnh, sau đó có phần mềm vi tính dựng lại để cho hình ảnh nội tạng rất chính xác.
CT Scan giúp biết ung thư có lan qua gan, phổi hay các cơ quan khác không. CT cũng hướng dẫn thầy thuốc sinh thiết khối u chính xác hơn. Trong khi chụp CT, chuyên viên có thể dùng chất cản quang uống hay tiêm chích để hình ảnh khối u nhìn rõ hơn.
CT cũng tạo ra hình ảnh nội soi đại tràng ảo. Nếu thấy có bất thường thì cho người bệnh nội soi đại tràng.
     – MRI (magnetic resonance imaging): tương tự như CT, MRI cũng chụp cắt lớp cơ thể. Tuy nhiên, MRI dùng sóng từ trường còn CT dùng tia X. Khi chụp MRI chuyên viên cũng có thể dùng thuốc cản quang. MRI cần cho bệnh não và bệnh cột sống.
     – X quang phổi: xét nghiệm này để biết ung thư có di căn qua phổi không.
     – PET Scan (positron emission tomography): trong loại test này người ta dùng đường gắn với chất phóng xạ. Tế bào ung thư sẽ bắt lấy nhiều đường. PET có lợi khi thầy thuốc nghĩ đến khả năng ung thư lan tràn nhưng không rõ vị trí. Ngày nay, PET scan cho hình ảnh rất rõ vì phối hợp với CT scan.
      – Chụp mạch máu (angiography): đôi khi cần chụp để khảo sát mạch máu của khối ung thư để khi mổ biết trước tránh chảy máu nhiều khi cắt bỏ ung thư.

7. VÌ SAO THẦY THUỐC CẦN PHẢI XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ LAN TRÀN CỦA UNG THƯ?

Đánh giá xem ung thư đã lan tràn đến đâu (Staging) là bước rất quan trọng vì kết quả điều trị cũng như tiên lượng của bệnh nhân đều tùy thuộc vào độ xâm lấn của ung thư. Đối với ung thư giai đoạn sớm có khi chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ bướu là đủ. Đối với ung thư đã tiến triển xa, cần phải điều trị đa mô thức nghĩa là ngoài phẫu thuật còn phải có sự hỗ trợ của hóa trị và xạ trị.
Có nhiều cách để đánh giá, có cách đánh số, có cách dùng chữ nhưng mọi hệ thống đều đánh giá độ lan rộng của ung thư qua các lớp thành ruột của đại tràng hoặc trực tràng. Việc đánh giá còn tính đến tình trạng ung thư có ăn lan qua cơ quan kế cận hoặc cơ quan xa.
Các giai đoạn của ung thư (stages) thường được ký hiệu bằng số La Mã từ I đến IV. Nói chung số càng nhỏ ung thư càng ít lan rộng. Số càng cao như Stage IV có nghĩa là ung thư càng nặng.
Trong đa số các trường hợp, chỉ trong khi mổ mới biết chính xác giai đoạn. Vì thế sau mổ, thầy thuốc mới ghi rõ giai đoạn ung thư. Đánh giá giai đoạn ung thư giúp thầy thuốc chọn cách điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

8. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT HIỆN SỚM BỆNH?

Tầm soát ung thư là phát hiện ra bệnh ở giai đoạn sớm trước khi bệnh nhân có triệu chứng. Nhiều trường hợp, các xét nghiệm có thể tìm ra ung thư ở giai đoạn rất sớm và do vậy sẽ giúp làm tăng kết quả điều trị. Xét nghiệm còn có thể giúp phòng ngừa ung thư bằng cách cho phép thầy thuốc cắt bỏ pôlíp trước khi chúng trở thành ung thư. Có nhiều xét nghiệm:
     – Stool blood test: (còn gọi là Fecal occult blood test-FOBT). Test này giúp phát hiện chảy máu ở mức độ vi thể trong đại tràng. Nếu test dương tính sẽ làm thêm các xét nghiệm khác sâu hơn như nội soi đại tràng để tìm nguyên nhân chảy máu.
Một loại test mới gọi là FIT (Fecal immunochemical test) dễ thực hiện và chính xác hơn FOBT.
     – Nội soi đại tràng sigma bằng ống soi mềm: ống soi sigma mềm và có đường kính bằng ngón tay. Ống nội soi được đưa qua hậu môn và lên cao. Ống soi cho phép thầy thuốc quan sát trong lòng hậu môn-trực tràng và đại tràng sigma để tìm ung thư và pôlíp.
Do chiều dài của ống soi giới hạn (60 cm) nên người thầy thuốc chỉ quan sát được một nửa khung đại tràng. Trước khi nội soi, bệnh nhân cần phải được thụt tháo cho sạch ruột để nhìn cho rõ lòng ruột và phát hiện tổn thương nếu có.
     – Nội soi đại tràng: ống nội soi đại tràng dài từ 1,2 mét đến 1,7 mét. Ống soi này giúp thầy thuốc quan sát toàn bộ khung đại tràng.
     – Chụp X quang đại tràng có cản quang: bệnh nhân được cho dùng thuốc xổ vào ngày hôm trước, sáng hôm sau cho thụt tháo lại, rồi được bơm chất cản quang vào và chụp X quang.
     – Nội soi đại tràng ảo: đầu tiên đại tràng được bơm hơi cho căng lên sau đó chụp CT scan đặc biệt sẽ cho hình ảnh của đại tràng. Tuy nhiên, phương pháp này chưa được xem là tốt trong tầm sóat ung thư giai ở đoạn sớm.

9. ĐIỀU TRỊ UNG THƯ ĐẠI – TRỰC TRÀNG NHƯ THẾ NÀO?

Ba cách điều trị ung thư đại- trực tràng là phẫu thuật cắt bỏ bướu, hóa trị và xạ trị hỗ trợ. Người ta hay gọi là điều trị đa mô thức nghĩa là điều trị bằng nhiều cách.
Hiện nay bắt đầu sử dụng liệu pháp nhắm trúng đích (targeted therapy) là phương pháp mới nhất trong hóa trị hỗ trợ.
Tùy theo giai đoạn của ung thư sẽ áp dụng 2 cách điều trị cùng lúc hoặc theo thứ tự trước sau. Tiên lượng của bệnh nhân tùy thuộc vào kiến thức và kinh nghiệm của nhóm thầy thuốc điều trị.

(1) PHẪU THUẬT (MỔ)

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính của ung thư đại – trực tràng.
Thông thường với ung thư đại tràng, phẫu thuật viên sẽ cắt đoạn đại tràng có ung thư cùng các hạch đi kèm. Hai đầu ruột sẽ được nối lại (nối bằng tay hay bằng máy khâu-nối gọi là stapler). Phẫu thuật cắt trước thấp được áp dụng cho ung thư phần thấp của đại tràng. Sau khi cắt bướu, 2 đầu ruột được nối lại và bệnh nhân vẫn đi cầu như bình thường.
Với ung thư đại tràng còn sớm có thể mổ cắt bướu qua nội soi ổ bụng với các đường mổ nhỏ, nhờ đó bệnh nhân phục hồi nhanh và ít đau sau mổ.
Phẫu thuật cũng là phương pháp điều trị chính của ung thư trực tràng, Với ung thư phần dưới trực tràng, gần sát hậu môn thì phải làm phẫu thuật Miles (cắt toàn bộ hậu môn-trực tràng-sigma) và đầu trên được đưa ra ngoài làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn, ruột già được mở ra da để phân thoát ra ngoài. Bệnh nhân sẽ đi cầu ở bụng sau mổ.
Hóa trị và xạ trị có vai trò hỗ trợ.
Nếu ung thư trực tràng xâm lấn qua cơ quan kề bên thì phải cắt rộng thêm các cơ quan như  bàng quang, tiền liệt tuyến và tử cung. Sau mổ, bệnh nhân cũng đi cầu ở bụng. Nếu có cắt bàng quang thì phải mở đường tiểu (thường là niệu quản) ra da.
Nếu bệnh nhân có mở hậu môn nhân tạo hoặc có mở niệu quản ra da, họ cần được hướng dẫn về cách săn sóc.
Một số phương pháp như cắt pôlíp, cắt bướu tại chỗ có thể thực hiện ngang qua hậu môn hoặc qua nội soi đại – trực tràng. Ung thư gần hậu môn và ở giai đoạn sớm (giai đoạn I) có thể dùng cách này để điều trị.

ª Các biến chứng do phẫu thuật có thể gặp là: chảy máu, tổn thương cơ quan kề bên trong khi mổ, bục miệng nối đại tràng (dù hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm), nhiễm trùng vết mổ, tắc ruột sau mổ do dây dính.
ª Vấn đề tình dục sau mổ
Ở nam giới sau phẫu thuật Miles thường bị rối loạn về tình dục, nặng nhất là liệt dương. Một số ít bệnh nhân bị xuất tinh ngược chiều vào bàng quang. Nếu bệnh nhân còn muốn có con phải gởi tinh trùng vào ngân hàng trước khi mổ.
Với phụ nữ dù có mang hậu môn nhân tạo trên lý thuyết không bị rối lọan tình dục.
ª Phẫu thuật khi ung thư  đã tiến xa
Nếu ung thư đại – trực tràng đã lan qua phổi, gan, buồng trứng hoặc các cơ quan trong ổ bụng phẫu thuật viên có thể cắt rộng các cơ quan. Cách xử trí này đôi khi giúp kéo dài thêm cuộc sống cho bệnh nhân.
Trường hợp ung thư qua gan, thầy thuốc có thể áp dụng phương pháp khác với phẫu thuật để diệt trừ ung thư như ngăn chận nguồn máu nuôi bướu hoặc diệt ung thư bằng cách đông lạnh hoặc dùng sức nóng. Các phương pháp này chỉ có ý nghĩa chữa trị tạm chứ không trừ tiệt căn.

(2) XẠ TRỊ

Xạ trị là dùng tia có năng lượng cao (tia X) để diệt tế bào ung thư  hoặc làm teo tế bào. Xạ trị có thể từ bên ngoài cơ thể hoặc bên trong, ghim vào mô bướu.
Xạ trị có thể giúp hỗ trợ sau mổ bằng cách diệt số tế bào ung thư còn sót lại mà mắt trần không nhìn thấy trong khi mổ.
Nếu bướu quá lớn hoặc ở vị trí khó mổ chúng ta có thể cho xạ trị trước cho bướu nhỏ lại để mổ dễ hơn.
Xạ trị cũng dùng để làm giảm nhẹ các triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân như tắc ruột, chảy máu hay đau.
Công dụng chính của xạ trị trong ung thư đại tràng là khi ung thư dính vào một cơ quan nội tạng hoặc dính vào thành bụng. Trong trường hợp này, phẫu thuật viên không chắc đã lấy hết mọi tế bào ung thư vì thế nên dùng xạ trị hỗ trợ để diệt các tế bào còn sót lại.
Với ung thư trực tràng, xạ trị dùng để ngừa ung thư tái phát hoặc điều trị ung thư tái phát tại chỗ gây đau. Xạ trị ít khi được dùng để điều trị ung thư đại tràng di căn.
Với ung thư đại – trực tràng xạ trị ngoài được dùng nhiều nhất. Dùng xạ trị 5 ngày/tuần trong nhiều tuần. Mỗi lần xạ trị chỉ phát tia trong vài phút có khi tương tự như chụp X quang gãy xương.
Một cách xạ trị khác dùng cho ung thư trực tràng là đưa tia vào qua ngã hậu môn lên trực tràng.
Khi xạ trị bên trong thầy thuốc sẽ dùng các thỏi phóng xạ nhỏ đặt gần hoặc đặt trực tiếp vào khối bướu. Phương pháp này dùng cho ung thư trực tràng ở người già suy kiệt không chịu nỗi cuộc phẫu thuật lớn.

      ª Biến chứng của xạ trị là da bị kích thích, buồn nôn, tiêu chảy, dấu hiệu trực tràng hoặc bàng quang bị kích thích và mệt mỏi. Ở nam giới có thể thấy tình trạng liệt dương. Thông thường các biến chứng này chỉ thoáng qua, sau khi ngừng xạ trị thì sẽ khỏi.

(3) HÓA TRỊ

Hóa trị là dùng thuốc bằng đường tiêm truyền hoặc uống để diệt tế bào ung thư. Các thuốc này vào máu và đi khắp cơ thể vì thế phương pháp này có lợi thế cho trường hợp ung thư đã tiến triển xa.
Đối với một số giai đoạn bệnh, nếu dùng hóa trị hỗ trợ sau mổ có thể giúp tăng thêm thời gian sống cho bệnh nhân. Hóa trị cũng giúp giảm triệu chứng trong trường hợp ung thư đã tiến xa.
Đối với một số trường hợp có thể tiêm thuốc chống ung thư vào mạch máu nuôi khối u. Đó gọi là hóa trị vùng. Vì thuốc đi thẳng vào bướu nên có thể ít có phản ứng phụ toàn thân.
Hóa chất diệt tế bào ung thư nhưng cũng làm tổn hại tế bào bình thường gây ra các tác dụng ngoại ý. Điều này phụ thuộc vào loại thuốc, liều lượng và thời gian dùng thuốc.

ª Các tác dụng ngoại ý do hóa trị:
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Chán ăn
  • Rụng tóc
  • Nổi mẫn ở chân tay và phù
  • Đau họng
  • Dễ nhiễm trùng
  • Dễ chảy máu nơi tiêm chích hoặc khi bị chấn thương
  • Mệt mỏi
Đa số các tác dụng phụ này sẽ hết khi ngưng thuốc, cụ thể như hết rụng tóc nhưng tóc có thể đổi khác.
Liệu pháp nhắm trúng đích là phương pháp điều trị chỉ có tác dụng diệt tế bào ung thư không ảnh hưởng lên tế bào bình thường của cơ thể nên người bệnh ít bị tai biến hơn phương pháp hóa trị hỗ trợ vừa nêu trên. Trong phương pháp này, người ta đã sản xuất được một protein gọi là kháng thể đơn dòng mà nay đã được phép dùng trong điều trị ung thư đại – trực tràng trên người (Cetuximab). Tuy nhiên, điều hạn chế là thuốc rất đắt tiền.

10. TỶ LỆ BỆNH NHÂN SỐNG 5 NĂM SAU ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Nếu bệnh nhân mắc bệnh ung thư đại – trực tràng được phát hiện sớm và được điều trị đúng thì 90% sẽ sống 5 năm. Một khi ung thư đã lan qua hạch hoặc cơ quan kề bên thì tỷ lệ này giảm xuống.
Bảng 3Tỷ lệ sống 5 năm của ung thư đại tràng
Giai đoạn Tỷ lệ sống 5 năm
I 93%
IIA 85%
IIB 72%
IIIA 83%
IIIB 64%
IIIC 44%
IV 8%
Tỷ lệ sống 5 năm của ung thư trực tràng cũng tương tự.

11. PHÒNG NGỪA BỆNH NHƯ THẾ NÀO?

Mặc dù không biết rõ nguyên nhân gây ung thư đại – trực tràng nhưng hiện có đã một số biện pháp giúp làm giảm suất độ mắc bệnh này.
     – Test tầm soát: giúp phát hiện sớm bệnh. Khi đã biết bệnh sớm, điều trị sớm thường giúp trị tiệt căn. Tầm soát cũng giúp tìm ra và cắt políp, cũng là một cách phòng ngừa ung thư tốt.
     – Khẩu phần ăn và thể dục: Hiệp hội ung thư Mỹ khuyến cáo nên dùng thực phẩm có nguồn gốc thực vật, nên ăn trái cây và rau cải mỗi ngày cùng với hạn chế dùng thức ăn nhiều mỡ.
Một số nghiên cứu cho thấy hàng ngày dùng nhiều vitamin chứa axít folic có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại – trực tràng. Nghiên cứu khác cho thấy dùng Canxi cũng có lợi.
Vận động thường xuyên cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại – trực tràng. Thời gian vận động là ít nhất 30 phút cho 5 ngày trong tuần hoặc hơn nữa.
     – Aspirin và các thuốc khác: Aspirin có thể giúp ngăn chận một số loại pôlíp. Celebrex (một loại thuốc kháng viêm) có thể giúp ngăn ngừa pôlíp ở người thân trong gia đình có nhiều người bị đa pôlíp di truyền.
Tuy nhiên, các loại thuốc này có phản ứng phụ và gây tai biến. Vì thế các chuyên gia không khuyến cáo dùng đại trà trong việc phòng ngừa ung thư đại – trực tràng.
     – Các yếu tố khác: những người có tiền căn gia đình bị ung thư đại – trực tràng cần được xét nghiệm tầm soát ở tuổi nhỏ và thường xuyên hơn người bình thường.
Hiệp hội ung thư Mỹ khuyến cáo lịch tầm soát như sau:
Từ 50 tuổi nam hay nữ với mức độ nguy cơ trung bình cần thực hiện 1 trong 5 chọn lựa sau:
  • Ø 1. Hàng năm thử phân tìm chảy máu vi thể (FOBT hay FIT).
  • Ø 2. Nội soi đại tràng sigma mỗi 5 năm.
  • Ø 3. Hàng năm thử phân tìm chảy máu vi thể (FOBT hay FIT) kèm nội soi đại tràng sigma mỗi 5 năm.
Trong 3 khuyến cáo trên, giải pháp thứ ba được đánh giá cao nhất.
Hoặc có thể chọn:
  • Ø 4. Chụp đại tràng cản quang mỗi  5 năm.
  • Ø 5. Nội soi đại tràng mỗi 10 năm.
Thử máu trong phân có thể thực hiện tại nhà nhưng phải thử nhiều lần.
Nếu một trong các xét nghiệm trên mà dương tính thì phải nội soi đại tràng.
Nếu có pôlíp thì nên cắt bỏ pôlíp.
Thăm khám trực tràng bằng ngón tay là bắt buộc nhưng phải có thêm các xét nghiệm khác hỗ trợ.
Nếu là đối tượng có nhiều nguy cơ thì phải tầm soát sớm và thực hiện nhiều lần hơn người bình thường.

12. TÓM TẮT:

Ung thư đại – trực tràng là loại ung thư có thể điều trị và phòng ngừa được. Pôlíp là tổn thương tiền ung thư. Phát hiện pôlíp sớm và cắt bỏ pôlíp là cách phòng ngừa hiệu quả nhất.
Đi cầu ra máu và rối loạn tiêu hóa mới xuất hiện gần đây và kéo dài là các triệu chứng báo động cần lưu ý.
Khi thăm khám bệnh, thầy thuốc không nên bỏ qua khâu khám hậu môn-trực tràng bằng ngón tay.
Nội soi đại tràng là phương tiện định bệnh hữu hiệu nhất.
Điều trị ung thư đại – trực tràng là điều trị đa mô thức bao gồm: phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
PGS. TS. BS. Lê Quang Nghĩa – Bệnh viện Bình Dân



Bài viết liên quan:


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire