Sau bài viết của tác giả Phan Thuận An, các lương y trong và ngoài nước liên tục phát hiện và công bố thêm nhiều dị bản Minh Mạng thang lưu truyền trong dân gian.
Nhiều dị bản
Theo lương y Phan Tấn Tô, sau bài viết của nhà nghiên cứu Phan Thuận An, liên tục trên các báo và tạp chí y học dân tộc, các lương y ở Huế đã công bố phát hiện thêm nhiều bài thuốc Nhất dạ lục giao, Nhất dạ ngũ giao, Lục giao tam dựng...
Báo Thừa Thiên-Huế số Tết năm 1993 có bài viết Nói thêm về toa thuốc bổ của vua Minh Mạng của tác giả lương y Thích Tuệ Tâm, phụ trách Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế (trước đây ở địa chỉ 100 Bạch Đằng, nay ở chùa Liên Hoa, đường Lê Quý Đôn, TP.Huế). Bài viết nêu một số phân tích từ thực tiễn cắt thuốc cho bệnh nhân và đưa ra kết luận: thực ra đây là bài thuốc không chỉ dành cho các bậc vua chúa mà bất cứ ai có bệnh đều dùng được, cả nam lẫn nữ. Tuy vậy, theo từng thể bệnh nhân mà gia giảm cho phù hợp. Bài viết cũng phân tích công dụng của thuốc với các loại đối tượng khác nhau. Theo lương y Thích Tuệ Tâm, toa thuốc của vua Minh Mạng có hai bài là Nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử, thích hợp cho lứa tuổi từ 30 đến 40 và bài Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử thích hợp cho người từ 40 tuổi trở lên. Kèm theo bài báo, lương y Thích Tuệ Tâm cũng đã công bố một bài thuốc Nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử, với 20 vị.
Sau đó, cuốn Nguyễn Triều cố sự huyền thoại về danh lam xứ Huế của tác giả Bửu Kế (NXB Đà Nẵng tái bản năm 1996) phần phụ lục có đăng hai bài thuốc Minh Mạng thang, ghi là của lương y Thích Tuệ Tâm, trong đó một bài là Nhất dạ ngũ giao (20 vị) và Nhất dạ lục giao (24 vị). Năm 1997, trong cuốn Sổ tay Võ thuật phần Sức khỏe cho mọi người cũng công bố một bài thuốc gọi là Minh Mạng thang với 25 vị, do Nguyễn Thị Thanh Xuân sưu tầm.
Ngoài ra, các lương y còn sưu tầm thêm được 2 phái thuốc gọi là Phái thuốc bổ của vua Minh Mạng, tại nhà ông Nghi ở đường Đào Duy Từ (TP.Huế), nguyên là cán bộ Tòa án tỉnh Thừa Thiên chế độ cũ. Theo gia đình ông Nghi, hai phái thuốc này do gia đình quan Ngự y triều Nguyễn là Lê Quốc Chước cung cấp (đã dịch ra quốc ngữ). Theo đó, 2 phái thuốc gồm phái chính (13 vị) và phái phụ (18 vị), có ghi chú công dụng: thuốc này bổ thận, tráng dương, cường lực, sung khí huyết, đen râu tóc, do quan Ngự y Lê Quốc Chước dâng vua Minh Mạng sau ngày lễ đăng quang. Tuy nhiên, theo ông Phan Tấn Tô, trong Mục lục Châu bản triều Nguyễn chưa thấy tên của quan Ngự y Lê Quốc Chước nên chưa thể kiểm chứng chắc chắn.
Toa thuốc Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử của gia đình quan Ngự y Phạm Đạt, ảnh chụp từ tài liệu của lương y Phan Tấn Tô - Ảnh: B.N.L
Một trong những bài Minh Mạng thang chép tay bằng chữ Hán - Ảnh: B.N.L
Trong quá trình sưu tầm, các lương y còn tìm thấy ở gia đình hậu duệ của lương y Đoàn Cảnh (làng Khuôn Phò, xã Quảng Phước, H.Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) một bài thuốc Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử, với 19 vị. Đông y sĩ Đoàn Cảnh vừa là Chánh tổng vừa là thầy thuốc nổi tiếng tại làng Khuôn Phò. Trước năm 1940, lương y Đoàn Cảnh từng mở trường dạy nghề thuốc bắc tại địa phương và ông Nguyễn Sinh Khiêm, anh của Bác Hồ, đã nhiều lần vào ở lại nhà này. Cháu nội của lương y Đoàn Cảnh là đông y sĩ Đoàn Ngọc Phách (1910-1983), một danh y tại Huế, từng làm Tổng thư ký Hội Y dược Việt Nam Trung Việt (1950-1958). Từ bài thuốc của gia đình họ Đoàn, đạo sĩ Thích Thiên Đăng cũng có bài thuốc Trường Sinh. Theo đó, bài thuốc Trường Sinh hơi khác do có thêm hai vị là Khương hoạt và Ngưu tất, đồng thời bỏ bớt Đỗ trọng của bài thuốc họ Đoàn.
Trong tập thức ăn chữa bệnh của người Trung Hoa (NXB Trẻ ấn hành năm 1995), lương y Lương Tú Vân và cộng sự cũng đã công bố 2 bài Tráng dương lục giao thang (23 vị) và Yêu cốt thống dược tửu (12 vị), với ghi chú do các Ngự y triều Nguyễn chế cho vua Minh Mạng dùng.
Lưu truyền trong gia đình quan lại
Đáng chú ý nhất là bài thuốc Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử của gia đình quan Ngự y Phạm Đạt, có tới 36 vị. Cụ Phạm Đạt là quan Ngự y cuối cùng của triều Nguyễn. Bài thuốc có trong tập Dược phẩm vựng yếu của Hải Thượng Lãn Ông, được cụ Phạm Đạt cho ông Vĩnh Thiều, được ông Vĩnh Cao giao lại cho lương y Lê Quý Ngưu.
Năm 1996, tiến sĩ Võ Quang Yến thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cũng sưu tầm được bài thuốc bổ Minh Mạng, với 25 vị, nguyên văn chữ Hán, riêng phần hướng dẫn pha chế bằng tiếng Việt và công bố trên tạp chí Tiếng Sông Hương, ở Mỹ.
Ngoài ra, tại gia đình ông Phạm Kim Âu (nguyên giáo sư giảng dạy tại Đại học Khoa học Huế) cũng lưu giữ bài thuốc Ngũ giao tam dựng (25 vị). Theo gia đình ông Âu, bài thuốc này do thân sinh của ông chép lại ở một gia đình ngự y, lưu giữ để dùng trong gia đình; Gia đình cụ cử nhân Phan Ngọc Hoàng (người đỗ cử nhân cuối cùng của triều Nguyễn) ở đường Huỳnh Thúc Kháng (TP.Huế) cũng lưu giữ bài thuốc Lục giao tam dựng (23 vị); Gia đình ông Nguyễn Khoa Thông, thuộc dòng họ danh gia thế tộc nhiều đời (ở Vỹ Dạ, TP.Huế) cũng lưu giữ bài Ngũ giao tam dựng; Gia đình cụ Trần Thước (trước đây làm Đốc học, là một trong những người biên soạn lại Mục lục Châu bản triều Nguyễn) thuộc dòng dõi của Quan phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành, cũng lưu giữ bài thuốc Minh mạng dược tửu với 15 vị. Bài thuốc nằm trong tập bản thảo chưa xuất bản Hư tự huyết giải của cụ Trần Thước, được gia đình lưu giữ.
Cho tới nay, theo lương y Phan Tấn Tô, đã có ít nhất là 25 dị bản Minh Mạng thang khác nhau được sưu tầm, phát hiện và công bố.
Bùi Ngọc Long
http://vn.news.yahoo.com/b%C3%AD-%E1%BA%A9n-th%E1%BA%A7n-d%C6%B0%E1%BB%A3c-minh-m%E1%BA%A1ng-thang-k%E1%BB%B3-014103971.html
____________
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire