Nguồn: www.quangduc.com
Bệnh gút
Nam giới trung niên thường xuyên dùng bia rượu có nguy cơ cao mắc bệnh gút. Rượu, bia, đạm động vật trong quá trình chuyển hóa làm tăng acid uric, lắng đọng urat tại các khớp, gây đau nhức. Bệnh gút tiến triển âm thầm, giai đoạn đầu muốn phát hiện chỉ nhờ vào xét nghiệm máu (nồng độ acid uric tăng). Triệu chứng thường gặp đầu tiên là sau những tiệc rượu hậu hĩ, ngón cái sưng lên đau nhức. Sau đó, cơn đau xuất hiện ở các khớp mắt cá chân, bàn chân, đầu gối... Nếu không chữa trị, sẽ tổn thương khớp, ảnh hưởng tới khả năng di chuyển, vận động. Giai đoạn cuối, bệnh nhân bị nhiều biến chứng ở thận, suy kiệt dần, có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh nhân mắc bệnh gút thường được bác sĩ khuyên không uống rượu, bia, trà, cà phê, ớt, đạm động vật, nội tạng, hải sản… Nếu bệnh nhân chuyển sang ăn chay, ngưng hẳn bia rượu, sẽ thấy cơn đau thưa dần...
Ung thư
Tỷ lệ ung thư ở người ăn chay ít hơn 25-50% so với người không ăn chay. Trong hướng dẫn ăn uống phòng ngừa ung thư, các bác sĩ chuyên khoa ung bướu khuyên dùng thực phẩm nhiều chất xơ, rau quả…, tránh ăn thịt đỏ, thịt cháy, thịt muối… vì chúng là một trong những nguyên nhân gây ung thư.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ ăn thịt hằng ngày có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú nhiều hơn 3,8 lần những người ăn ít hơn 1 lần thịt trong tuần. Những người ăn chay có tỷ lệ ung thư thấp hơn nữa còn nhờ vào thực phẩm chay thường được làm từ đậu nành, chứa hoạt chất có khả năng chống ung thư.
Bệnh tim mạch
Các nghiên cứu so sánh về áp lực máu và nồng độ cholesterol do nhiều nhà khoa học tại Anh và Mỹ thực hiện cho thấy, những người ăn chay luôn có huyết áp thấp hơn người ăn mặn (ăn thịt, cá, tôm…) vài chỉ số. Tương tự, những người ăn chay cũng có chỉ số cholesterol thấp hơn ăn mặn. Nếu thay đổi chế độ ăn từ chay sang mặn, người ta nhận thấy chỉ số huyết áp và cholesterol của họ tăng. Các chỉ số này trở về như cũ sau 10 - 14 ngày ăn uống thanh đạm.
Hạ áp huyết và hạ độ cholesterol trong máu tức là giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Người ta cho rằng ăn các món được chế biến từ động vật nhiều acid béo bão hoà dễ làm tăng lượng cholesterol trong máu, từ đây hình thành các mảng bám vào thành mạch máu. Dòng máu trở nên chậm hơn, lượng mỡ tích luỹ vào thành mạch ngày càng nhiều, tạo thành các mảng xơ vữa dễ đứt vỡ. Và đây là một trong những nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
Loãng xương
Ăn nhiều đạm động vật, ăn mặn, uống cà phê nhiều làm tăng lượng canxi thải qua đường bài tiết. Phụ nữ giai đoạn mãn kinh cũng dễ bị loãng xương vì nội tiết tố buồng trứng không còn nhiều nên không thể giúp thành ruột hấp thu canxi. Nếu ở giai đoạn mãn kinh mà ăn nhiều đạm động vật, nêm nếm đậm đà, ăn ít thực phẩm chứa canxi và không có thói quen uống sữa bò, sữa đậu nành thì nguy cơ loãng xương rất cao.
Để đủ canxi cho cơ thể, nên ăn chay nhưng đổi món mỗi ngày với các nguyên liệu: đậu nành, đậu phộng, nấm, rau ngót, đậu cô ve, đậu Hà Lan, rau càng cua, chuối, bông cải xanh… Song song đó, nên tập uống sữa hằng ngày, khởi đầu là dùng sữa chua, sữa đậu nành rồi mới tiến tới dùng sữa tươi.
Sai lầm cần tránh
Các món chay hiện nay ngày càng phong phú với hương vị không thua kém các món mặn. Thậm chí có nhiều món còn nhiều năng lượng do được nêm nhiều đường, muối, chiên trong dầu, hầm trong nước cốt dừa… Chẳng hạn như các món mì xào giòn thập cẩm, cơm đỏ gà chiên, bì cuốn (được làm từ khoai xắt sợi chiên giòn trộn thính), bánh tầm chan nước cốt dừa… Ăn chay không hợp lý cũng có thể bị thiếu đạm, thừa đường bột do các món làm giả thịt gà, thịt heo quay… được làm chủ yếu từ đường, bột năng, màu… rồi chiên.
Năng lượng thừa mỗi ngày một ít sẽ tích lũy dưới dạng mỡ dẫn tới thừa cân, béo phì.
Muốn đạt được yêu cầu phòng bệnh từ xa nhờ ăn chay, cần phải biết chọn lựa món ăn. Nên ăn các loại xôi nấu với các loại đậu đỗ, chấm muối mè lạt để thêm chất xơ, chất béo tốt và các loại sinh tố E, A, B cho cơ thể. Nấm là một loại đạm thực vật giúp thanh trừ các gốc tự do, chống lại sự lão hoá cơ thể, vì thế nên ăn mỗi ngày một loại nấm để tăng cường sức khoẻ. Nên ăn nhiều rau xanh và phơi nắng buổi sáng để cơ thể đủ canxi, sắt, magie. Dùng thêm sữa để không bị thiếu đạm, sắt, B12…
Ăn chay và sức khoẻ - bạn có thể tự trừ bệnh ung thư
Từ khi bệnh ung thu xuất hiện tới nay, ngành y đã có phương pháp trị bệnh này bằng hoá học trị liệu nhưng cũng không chắc chắn là khỏi ung thư hoàn toàn. Nhưng Jons Hopkins gần đây đã công bố có một phương pháp khác trị bệnh ung thư từ cách thay đổi phong cách ăn uống của mình. Bài viết đó như sau:
1. Ai cũng có tế bào ung thư trong cơ thể. Những tế bào này không thể bị phát hiện trong những cuộc kiểm tra tiêu chuẩn, trừ khi chúng nhân ra thành vài tỷ tế bào. Khi bác sĩ thông báo với bệnh nhân ung thư rằng sau khi trị liệu, cơ thể họ không sản sinh thêm tế bào ung thư nào khác, điều này có nghĩa là cuộc kiểm tra không phát hiện ra các tế bào ung thư do chúng chưa phát triển tới mức độ có thể nhận biết.
2. Tế bào ung thư xuất hiện từ 6 tới 10 lần trong cuộc đời con người.
3. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể mạnh, hệ thống này tiêu diệt các tế bào ung thư đồng thời ngăn chặn chúng sinh sản và hình thành khối u.
4. Khi một người mắc bệnh ung thư có nghĩa là người đó suy dinh dưỡng đa cấp... Điều này có thể do các nhân tố về di truyền, môi trường, thức ăn và lối sống..
5. Để tránh suy dinh dưỡng đa cấp, thay đổi thói quen ăn uống và bổ sung thực phẩm sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch.
6. Hoá học trị liệu bao gồm việc làm nhiễm độc các tế bào ung thư phát triển nhanh, đồng thời cũng tiêu diệt các tế bào khoẻ mạnh trong tuỷ xương và vùng dạ dày - ruột, và có thể gây tổn thương các cơ quan như gan, thận, tim, phổi...
7. Các tia phóng xạ trong quá trình tiêu diệt tế bào ung thư có thể gây thương tổn tới các tế bào khoẻ mạnh, các mô tế bào và các cơ quan trong cơ thể…
8. Trị liệu ban đầu bằng hoá học trị liệu và phóng xạ thường làm giảm kích cỡ khối u... Song sử dụng các biện pháp này lâu dài không tiêu diệt được khối u hoàn toàn.
9. Khi cơ thể nhiễm độc do hoá học trị liệu và tia phóng xạ, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ trở nên yếu ớt và bị tổn thương, do vậy cơ thể thường không chống đỡ nổi với bệnh tật và các biến chứng.
10. Hoá học trị liệu và phóng xạ có thể khiến các tế bào ung thư biến chứng và khó tiêu diệt hơn. Phẫu thuật có thể khiến các tế bào ung thư di căn tới vùng khác trên cơ thể.
11. Một cách hữu hiệu để đối phó với các tế bào ung thư là "bỏ đói" chúng, không cung cấp dưỡng chất khiến chúng có thể sản sinh.
Vậy tế bào ung thư đã được hình thành từ những dưỡng chất gì?
Đường là một trong những dưỡng chất cho tế bào ung thư. Cắt bỏ đường là cắt bỏ nguồn dưỡng chất quan trọng cho tế bào ung thư. Có các sản phẩm thay thế đường như NutraSweet, Equal, Spoonful... làm từ Aspartame và không gây hại. Sản phẩm thay thế từ thiên nhiên là mật ong Manuka và mật đường nhưng với một lượng rất nhỏ.
Muối bột cũng có chất hoá học tẩy trắng màu muối. Lựa chọn tốt hơn là amino Bragg và muối biển.
Sữa khiến cơ thể tiết ra niêm dịch, đặc biệt là ở vùng dạ dày và ruột.
Chất niêm dịch là dưỡng chất cho tế bào ung thư. Bằng cách cắt bỏ sữa trong khẩu phần và thay thế bằng sữa đậu nành không đường, tế bào ung thư sẽ bị "bỏ đói".
Tế bào ung thư sống sót trong môi trường axit. Khẩu phần ăn chứa nhiều thịt cung cấp nhiều axit. Sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn ăn cá và thịt gà thay cho thịt lợn và thịt bò. Thịt gia súc cũng chứa kháng sinh, hormon tăng trưởng và ký sinh không tốt cho cơ thể, nhất là với bệnh nhân ung thư.
Khẩu phần ăn có 80% rau xanh và nước ép, ngũ cốc, hạt và chút trái cây sẽ giúp cơ thể sản sinh nhiều kiềm. Khoảng 20% có thể là thực phẩm nấu chín, bao gồm cả đậu. Nước ép rau chứa các enzyme sống, dễ dàng hấp thu và ngấm vào các tế bào trong vòng 15 phút, giúp sản sinh các tế bào khoẻ mạnh. Để tạo ra các enzyme sống nhằm sản sinh ra các tế bào khoẻ mạnh, hãy thử uống nước ép rau (có giá đỗ) và ăn rau sống 2 tới 3 lần/ngày. Các enzyme sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 104 độ F (40 độ C)
Tránh các chất caffeine như cà phê, trà và sôcôla. Trà xanh chứa chất chống ung thư và là một lựa chọn tốt. Hãy uống nước lọc hoặc nước tinh khiết để tránh chất độc và kim loại nặng trong nước thường. Tránh uống nước cất vì nước này chứa axit.
12. Protein trong thịt khó tiêu hoá và cần tới nhiều enzyme tiêu hoá. Thịt không tiêu hóa nằm nguyên trong ruột, gây thối và tạo ra chất độc cho cơ thể.
13. Các tế bào ung thư được bao phủ bằng một lớp protein. Bằng cách hạn chế thịt trong khẩu phần ăn, các enzyme sẽ hoạt động dễ dàng hơn trong việc tấn công lớp protein bao phủ tế bào ung thư và giúp các tế bào hủy diệt tự nhiên của cơ thể tiêu diệt tế bào ung thư.
14. Một số các chất tăng cường hệ miễn dịch (IP6, Flor-ssence, Essiac, anti-oxidants, vitamins, khoáng chất, EFAs...) giúp các tế bào huỷ diệt tự nhiên tiêu diệt tế bào ung thư. Một số chất khác như vitamin E tạo ra cơ chế tiêu diệt tế bào, một cách thông thường của cơ thể nhằm đào thải các tế bào gây hại hoặc không cần thiết.
15. Ung thư là căn bệnh của thể xác và tinh thần. Một tinh thần lạc quan và sảng khoái sẽ giúp các bệnh nhân ung thư giành giật được sự sống. Giận dữ, căm thù và cay đắng khiến cơ thể bị căng thẳng và tạo ra axit. Hãy học cách sống vị tha và đầy yêu thương. Học cách thư giãn và hưởng thụ cuộc sống.
16. Các tế bào ung thư sẽ không tồn tại được trong môi trường đầy ôxy. Tập thể dục đều đặn, hít thở sâu sẽ giúp các tế bào được nạp đầy đủ ôxy. Liệu ôxy cũng là cách tiêu diệt các tế bào ung thư.
Một trong những rau củ quả ngăn ngừa ung thư
Có một số loại rau củ quả không chỉ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng mà còn mang lại tác dụng ngăn ngừa bệnh ung thư.
Theo nhiều nghiên cứu, các loại rau họ cải như súp lơ trắng, bông cải xanh, cải bắp... chứa một số hoá chất và phytochemical có thể giúp ngăn ngừa ung thư, nhất là ung thư vú. Bông cải xanh và mầm của bông cải xanh có chứa một chất gọi là sulforaphane phytochemical, giúp sản xuất enzym có thể tiêu diệt các gốc tự do và chất gây ung thư. Loại rau này còn chứa lutein và zeaxanthin, đây là những chất chống ôxy hoá mạnh giúp ngăn chặn ung thư tiền liệt tuyến và các bệnh ung thư khác.
Cà chua rất giàu lycopene, cũng là chất chống ôxy hoá mạnh giúp chống lại các gốc tự do có thể gây ung thư. Để nhận được lycopene trong chế độ ăn hằng ngày hãy sử dụng nước sốt cà chua và một ít dầu ôliu trong khi nấu ăn. Lycopene có thể giúp ngăn ngừa nhiều bệnh ung thư như: ung thư tuyến tuỵ, tuyến tiền liệt và ruột kết. Nó cũng có thể được tìm thấy trong dưa hấu, cà rốt, ớt đỏ.
Bên cạnh nguồn chất béo lành mạnh, kali, beta-carotene, bơ cũng chứa một số thành phần chống ung thư, nhất là ung thư gan. Cà rốt cũng rất giàu beta-carotene, ngoài ra, trong cà rốt còn chứa chất chống ung thư gọi là falcarinol.
Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Đan Mạch, khi các tế bào ung thư tiếp xúc với falcarinol thì những tế bào này sẽ phát triển chậm hơn, do đó làm chậm lại sự lây lan, tiến triển của ung thư. Tuy nhiên, cà rốt nấu chín sẽ làm giảm các chất chống ôxy hoá, nên các chuyên gia khuyên rằng nên ăn cà rốt sống để nhận được lợi ích đầy đủ hơn. Thêm vào chế độ ăn uống của bạn một số loại ớt cũng ngăn ngừa ung thư, đặc biệt hiệu quả trong việc giúp ngăn ngừa ung thư dạ dày. Chất cay trong ớt có thể giúp trung hòa chất nitrosamine - chất gây ung thư cực mạnh.
Khoẻ khi ăn chay
Ăn chay rõ ràng có ích cho sức khỏe. Bằng chứng là người ăn chay ít có vấn đề với huyết áp, với chất mỡ trong máu, với tình trạng béo phì và thậm chí ít bị bội nhiễm.Không kể đến lý do tôn giáo, số người kiêng thịt đã tăng nhanh thấy rõ trên khắp năm châu trong thời gian gần đây.
Bằng chứng là chỉ nói riêng ở châu Âu, tỉ lệ người ăn chay đã vượt mức 10% trong thập niên vừa qua. Ở nhiều nước phương Tây, ăn chay thậm chí là mốt đắt tiền của người sành điệu. Nhưng cũng cần nói rõ, ăn chay đề cập trong bài này là chế độ dinh dưỡng tuy kiêng thịt nhưng vẫn dùng trứng, sữa.
Những người đã quyết định bỏ thịt để ăn chay là có lý do chính đáng. Bởi phần thì thịt bò, heo, gà, vịt..., thịt nào cũng chứa đầy nguy cơ không an toàn (nếu không nhiễm khuẩn thì cũng tẩm nội tiết tố), phần vì chất mỡ trong thực phẩm gốc động vật là nguyên nhân của nhiều bệnh chứng nghiêm trọng xuất phát từ tình trạng xơ vữa mạch máu.
Tuy vậy, nhiều người vẫn từ chối ăn chay, cho dù chỉ định kỳ vài ngày trong tháng, mặc dù hiểu rõ hình thức này là một trong các phương pháp hiệu quả để giải độc cho cơ thể; bớt gánh nặng cho gan, thận. Lý do thường nghe là vì không ăn thịt sợ thiếu chất đạm.
Đúng là cơ thể phải có đủ chất đạm nhưng không nhất thiết phải là chất đạm từ thực phẩm gốc động vật.
Nói có sách, mách có chứng. Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu trong thập niên vừa qua cho thấy:
- Cơ thể không thể thiếu đạm nếu trong bữa ăn hoặc có trứng, sữa, hay các sản phẩm khác từ sữa.
- Giảm thịt mỡ trong khẩu phần là biện pháp cơ bản và hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng tăng chất mỡ trong máu.
- Người kiêng thịt vẫn không thiếu dưỡng chất nếu tăng lượng rau quả, mễ cốc và dầu thực vật trong khẩu phần.
- Thay thế chất đạm động vật bằng đạm thực vật trong đậu nành, rong biển, hạt bí rợ, hoa hướng dương... không hề gây rối loạn biến dưỡng. Trái lại, có lợi là khác với đối tượng bị tăng axít uric, thừa axít lactic...
- Để đừng thiếu sinh tố B12 và sinh tố D do khẩu phần không có thịt cá, người ăn chay chỉ cần chú trọng các món cải chua và nấm.
Ăn chay rõ ràng có ích cho sức khỏe. Bằng chứng là cả 3 cơ sở nghiên cứu ở Đức (gồm ĐH Giessen, Viện Nghiên cứu ung thư Heildelberg, Bệnh viện Charite ở Berlin), sau khi đúc kết nhiều công trình nghiên cứu đã cùng nhau khẳng định là người ăn chay ít có vấn đề với huyết áp, với chất mỡ trong máu, với tình trạng béo phì và thậm chí ít bị bội nhiễm.
Người ăn chay nhờ đó ít bị ung thư và có tuổi thọ cao hơn. Điểm lý thú hơn nữa là phần lớn trong số người quyết định bỏ thịt ăn rau thường đồng thời cũng nói không với thuốc lá và rượu bia. Họ vì thế khỏe mạnh hơn những người “không thịt chết liền”.
Tuy vậy, tất cả đối tượng có nhu cầu phục hồi hay tăng trưởng cấp bách như thai phụ, người đang cho con bú, trẻ con, người lao động nặng, người vừa qua cơn bệnh mãn tính... thì không nên chay trường hoặc nếu ăn chay thì cần được điều trị hỗ trợ qua thầy thuốc chuyên khoa.
Cơ thể con người phải có đầy đủ chất đạm, bên cạnh chất đường và chất béo. Nhưng điều đó không có nghĩa là bắt buộc phải luôn luôn có thịt trên bàn ăn, cũng không nhất thiết phải chay trường nhưng thỉnh thoảng ăn chay vài ngày chính là biện pháp để “già néo” mà vẫn không “đứt dây”. Linh động bao giờ cũng khéo gấp trăm lần thụ động.
http://www.quangduc.com/p5424a6175/an-chay-co-the-tu-tru-benh-ung-thu
Cảm ơn những thông tin trên trang web. Kính mời quý bạn ghé thăm trang web chuabenhdongian.com để biết cách phòng và chữa bệnh đơn giản hiệu quả
RépondreSupprimer