Ngô Nhân Dụng
Sau ba tháng giữ kín kết quả cuộc bỏ phiếu của họ, nay mai chín vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện sẽ cho dân Mỹ biết quyết định về số phận của Luật Cải Tổ Hệ Thống Y Tế của Tổng Thống Barack Obama, tên chính thức là “Luật Y Tế Dễ Thụ Hưởng” (Affordable Care Act), thường gọi là Obamacare.
Những người Mỹ bi quan về hình ảnh “bát nháo” trong hệ thống chính trị nước họ được an ủi: Tối Cao Pháp Viện vẫn là một định chế tôn nghiêm; vì họ giữ kín được bí mật trong suốt ba tháng qua! Không ai hé miệng, trong số 9 vị Thẩm Phán Tối Cao (Chúng tôi viết hoa bốn chữ này vì người Mỹ thường viết như vậy). Ngoài 9 vị đó, có ít nhất 36 người nữa đã biết trước kết quả: Các thư ký của tòa án cũng như của mỗi thẩm phán không một ai tiết lộ; những người đánh máy cho nhà in, người xếp sách, đóng bìa để phát cho công chúng, cũng không ai tiết lộ. Tối Cao Pháp Viện vẫn là một định chế khả kính!
Cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, và hai ứng cử viên tổng thống Obama và Romney, đều chuẩn bị ít nhất ba lời tuyên bố, và sẽ chọn một để đưa ra, bày tỏ phản ứng ngay sau khi phán quyết được công bố: Một phản ứng nếu tòa bác bỏ toàn thể đạo luật; một phản ứng khác nếu tòa chỉ xóa bỏ một phần; và một bản tuyên bố khác trong trường hợp tòa để nguyên cho đạo luật được thi hành! Từ đây tới cuối năm, các cuộc vận động tranh cử của hai ông Obama và Romney, và của các ứng cử viên đại biểu Quốc Hội, sẽ thay đổi tùy theo phán quyết của Tòa Tối Cao! Người ta hồi hộp chờ đợi không khác gì dân ghiền bóng tròn chờ coi kết quả Euro 12 (Euro là tên Giải Túc Cầu, không phải tên đồng tiền!)
Tuy nhiên, cuộc tranh Giải Euro 12 tương đối dễ hiểu, còn phiên Tòa Tối Cao nước Mỹ xử vụ này đã gây rất nhiều hiểu lầm, nên nói cho rõ.
Trước hết, Tối Cao Pháp Viện không phán quyết về chuyện nước Mỹ cần cải tổ y tế hay không. Ai cũng thấy hệ thống bảo hiểm y tế của Mỹ đầy khuyết điểm: Tốn tiền nhất so với các nước tiên tiến khác, mà kết quả không tốt hơn, có khi không bằng, trong việc giữ sức khỏe cho dân. Chưa kể là có 50 triệu người không có bảo hiểm. Thế nào cũng cần “chữa trị” cho cả hệ thống.
Thứ hai, phán quyết của Tòa Tối Cao cũng không nhằm “chấm điểm” đạo luật Obamacare và các hậu quả của nó đối với sức khỏe dân Mỹ, ngân sách chính phủ Mỹ và nền kinh tế Mỹ. Nhiều người ở Âu Châu hay hiểu lầm, khi họ hỏi: Tại sao các thẩm phán có thể bác bỏ ý kiến mọi người Mỹ phải có bảo hiểm y tế, như dân Ðức, dân Anh hay dân Canada vẫn được hưởng? Tại sao Thẩm Phán Scalia lại ví việc bắt buộc dân phải có bảo hiểm y tế giống như việc bắt dân phải ăn rau cải? Sự thật là: Tòa Tối Cao Mỹ không phán xét xem quy tắc “mọi người phải có bảo hiểm y tế” là đúng hay sai.
Vấn đề chính được đưa ra tòa là Ðạo luật Obamacare có hợp hiến hay không? Ðiều được 26 tiểu bang nêu ra để thưa kiện là đạo luật đó buộc dân Mỹ ai cũng phải phải có bảo hiểm y tế (nói rõ hơn, là phải “mua bảo hiểm,” nếu không sẽ bị phạt tiền)! Vấn đề quan trọng nhất là: Chính phủ Liên bang Mỹ có quyền bắt buộc dân “mua” như vậy hay không? Vì thế nên điều khoản đó được ví với việc bắt dân mua rau broccoli!
Hầu hết các điều khoản quan trọng trong bản Hiến Pháp nước Mỹ là để hạn chế quyền hành của chính phủ liên bang, trong đó có cả Quốc Hội và chính phủ. Dân Mỹ đã từng bị “bắt buộc phải ăn broccoli” nhiều lần: Ai lái xe cũng phải mua bảo hiểm! Ai lái xe gắn máy phải đội mũ an toàn. Chở trẻ em trên xe phải có ghế ngồi an toàn! Luật lệ bắt dân phải mua nhiều thứ lắm. Nhưng đó là những đạo luật do các tiểu bang ban hành. Chính phủ liên bang thì bị giới hạn quyền hành, do điều thứ nhất, phần thứ 8 trong Hiến Pháp Mỹ, cho phép Quốc Hội liên bang có quyền “quy định việc thương mại với ngoại quốc, giữa các tiểu bang, và với các bộ lạc da đỏ;” thường gọi tên là Ðiều khoản về Thương mại.
Những người, các tổ chức và tiểu bang đi kiện luật Obamacare đã nhân danh Ðiều khoản Thương mại đó; họ cho là năm 2010 Quốc Hội Mỹ đã lạm quyền khi bắt tất cả dân chúng phải ăn món broccoli gọi là bảo hiểm y tế. Họ muốn, nếu tiểu bang nào thích quy tắc đó, hãy để cho tiểu bang đó quyết định, như Massachuttsett đã làm.
Các vấn đề như có nên cải tổ hệ thống y tế hay không, phải cải tổ cách nào, là các vấn đề chính trị. Ðó là việc của các chính trị gia được dân bỏ phiếu bầu lên. Tối Cao Pháp Viện chỉ xét đạo luật coi có phù hợp với bản Hiến Pháp nước Mỹ hơn 200 tuổi, đặc biệt là Ðiều khoản Thương mại, hay không. Việc giải thích Ðiều khoản Thương mại có thể thay đổi tùy theo phán đoán của các vị thẩm phán đương nhiệm.
Nhưng phán quyết của tòa án sẽ có những hậu quả chính trị. Cả hai đảng và các ứng cử viên tổng thống năm nay đã chuẩn bị các bước cờ mới tùy theo phán quyết của tòa án. Mà hậu quả của phán quyết, dù đi theo chiều hướng nào, cũng không giản dị, là có một đảng được lợi, đảng kia sẽ bị thiệt hại, như người ngoại cuộc tưởng.
Trong một văn thư gửi các đồng viện thuộc đảng Cộng Hòa, Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner tuần trước đã yêu cầu họ đừng có ăn mừng ồn ào nếu Tòa Tối Cao bác bỏ một phần hay toàn thể luật Obamacare. Ông dặn dò đảng các ứng cử viên Cộng Hòa phải nhớ là trong cuộc vận động năm nay cần nhấn mạnh đến tình trạng kinh tế còn chưa bình phục, đừng để cho các vấn đề như bảo hiểm y tế chiếm diễn đàn, dân sẽ quên mất luôn đề tài kinh tế!
Nếu đạo luật được Tòa Tối Cao để yên, Tổng Thống Obama có thể tuyên bố chiến thắng, nhưng Thống Ðốc Mitt Romney sẽ có một đề tài tranh cử nóng bỏng. Ông sẽ nhắc lại lời hứa “Rút lại Luật Obamacare trong 100 ngày” sau khi đắc cử, với hy vọng thu hút và huy động được rất nhiều cử tri bảo thủ có thể đang còn thờ ơ đối với ông. Ông sẽ hô khẩu hiệu đòi chấm dứt cảnh “chính quyền liên bang đang chiếm lấy thêm quyền hành” khiến cho dân Mỹ, vốn vẫn nghi ngờ khả năng và hiệu quả của chính quyền, ngả sang phía Cộng Hòa! Ông sẽ nói họ cần bỏ phiếu cho ông, như một cơ hội cuối cùng để chấm dứt một xu hướng lấn chiếm quyền hành nguy hiểm, và xóa bỏ một đạo luật đã bị nhiều người ghét!
Ngược lại, nếu Tòa Tối Cao hủy bỏ một phần hay cả đạo luật, Tổng Thống Obama lại có được nhiều đề tài tranh cử hấp dẫn. Ông sẽ nêu lên những hậu quả tốt đẹp mà đạo luật có thể đem lại cho dân Mỹ: Cấm các hãng bảo hiểm không được từ chối thân chủ vì họ có bệnh sẵn; cho trẻ em được hưởng bảo hiểm của bố, mẹ cho đến năm 26 tuổi; cấm không được giới hạn chi phí y tế cho mỗi thân chủ; phải bồi hoàn tiền cho thân chủ nếu không dùng hết (80%), vân vân. Ông sẽ nhắc nhở rằng vừa có 13 triệu người Mỹ được các hãng bảo hiểm trả lại 151 đô la tiền đã đóng, nhờ đạo luật cải tổ y tế của ông. Ông Obama sẽ mô tả đối thủ Romney và cả đảng Cộng Hòa như là những người đã cản trở việc cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế, không quan tâm đến 50 triệu người không được bảo hiểm! Trong các cuộc tranh luận truyền hình, ông Obama sẽ nhắc đi nhắc lại câu hỏi là ông Romney có kế hoạch nào để thay thế, cho việc cải tổ hệ thống y tế hay không? Ông Romney khi làm thống đốc Massachutssett đã ký một đạo luật giống như Obamacare. Ông sẽ phải giải thích tại sao ông lại chống đạo luật của ông Obama. Và những lời giải thích ngắn gọn trong dăm ba phút trước ống kính ti vi sẽ khó làm cho người coi hiểu được rõ ràng đầy đủ.
Một điều đảng Dân Chủ có hy vọng thu hút nhiều cử tri cho mình, là họ sẽ trình bày cho công chúng thấy cả guồng máy lãnh đạo nước Mỹ đang nghiêng hẳn về khuynh hướng bảo thủ. Hạ Viện Mỹ đang do đảng Cộng Hòa kiểm soát, Tối Cao Pháp Viện có 5 vị thẩm phán với khuynh hướng bảo thủ rõ rệt (nếu phán quyết bác bỏ Obamacare được biểu quyết với tỷ số 5/4). Do đó, đảng Dân Chủ sẽ kêu gọi dân Mỹ phải ngăn chặn lại, để giữ cân bằng cho chính trị quốc gia. Nếu một ứng cử viên Cộng Hòa đắc cử tổng thống năm nay, ông ta sẽ có cơ hội đề cử và bổ nhiệm vài vị Thẩm phán Tối cao bảo thủ trong 4 năm tới, vì ít nhất có hai vị đã già rồi. Và như vậy là cả Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp có thể đều ngả hẳn về phía bảo thủ! Nhiều người Mỹ thấy ngay viễn tượng này có thật, và có thể vì thế các cử tri cấp tiến và độc lập sẽ cất công đi bỏ phiếu cho ông Obama!
Tóm lại, phán quyết của Tối Cao Pháp Viện dù theo cách nào cũng sẽ được cả hai đảng sử dụng để vận động cử tri, không nhất thiết bên nào được lợi ngay. Nhưng đối với những người Mỹ bình thường, thì hậu quả của phán quyết rất rõ ràng.
Nếu Tối Cao Pháp Viện để yên cho đạo luật Obamacare thì không có gì thay đổi. Nếu đạo luật bị bác bỏ, có lẽ các hãng bảo hiểm cũng không thay đổi chính sách của họ ngay, thí dụ họ vẫn thi hành điều khoản cho các con được hưởng bảo hiểm của bố mẹ cho tới năm 26 tuổi. Những người đang có bệnh thì nên đi dạo mua bảo hiểm ngay, vì các công ty bảo hiểm sẽ có quyền từ chối các thân chủ bệnh sẵn, mặc dù họ có thể không làm điều đó ngay lập tức, sợ mang tiếng xấu. Những người có con nhỏ cũng nên mua riêng bảo hiểm cho con, vì không biết bao giờ các công ty bảo hiểm sẽ từ chối bảo hiểm cho các thanh niên dù dưới 26 tuổi. Trước khi đạo luật bị xóa bỏ, mọi người nên tìm bác sĩ xin đi khám ngực (mammograms), khám ruột già (colonoscopies,) và chích ngừa (immunizations) ngay, vì nếu luật này không còn áp dụng thì có thể sẽ mất các quyền lợi đó. Những người đang hưởng medicare (bảo hiểm y tế cho người về hưu) cũng có thể không được khám nang thượng thận (prostate), khám ung thư ngực và ruột già miễn phí nữa.
Nói chung thì nếu đạo luật Obama bị xóa bỏ, tiền mua bảo hiểm của nhiều người sẽ tăng lên và các dịch vụ được hưởng sẽ giảm bớt. Mọi người Mỹ sẽ tìm mua bảo hiểm ở những công ty không ấn định số chi phí y tế tối đa suốt đời (lifetime caps), một điều mà đạo luật Obamacare cấm. Dù đạo luật vẫn được thi hành, thì người mua bảo hiểm y tế vẫn phải coi kỹ các hợp đồng mình sẽ ký, vì các khoản đóng góp thay đổi theo từng công ty, từng loại hợp đồng (co-pays, co-insurance, premiums, vân vân). Dân những nước như Anh, Ðức, Canada không ai phải đọc kỹ những hợp đồng như vậy, vì tất cả đều do chính phủ lo.
Trước khi Tòa Án Tối Cao công bố phán quyết, cũng nên biết điều khoản bắt buộc mọi người Mỹ phải có bảo hiểm y tế rất khó áp dụng! Vì ai không mua bảo hiểm cũng chỉ phải đóng món tiền phạt, rất thấp so với số tiền phải trả nếu mua bảo hiểm! Một người khỏe mạnh bình thường có thể chấp nhận đóng tiền phạt còn hơn mua bảo hiểm! Ðiều khoản này đã từng được đảng Cộng Hòa chủ trương và cổ võ trước đây 30 năm; mà trong thời gian đạo luật Obamacare được Quốc Hội thảo luận cũng không thấy ai phản đối điều đó, cho tới cuối năm 2010 mới nổi lên. Tổng Thống Obama thì lại chống điều đó khi ông giành địa vị ứng cử viên tổng thống với bà Hilarry Clinton năm 2008. Bây giờ chính điều khoản này là nguyên nhân khiến đạo luật Obamacare phải ra tòa!
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire