vendredi 29 juin 2012

Tối Cao Pháp Viện: Luật cải tổ y tế là hợp hiến

Thursday, June 28, 2012 7:45:53 PM 
WASHINGTON (TH) - Sau ba tháng chờ đợi kể từ khi Tối cao Pháp viện mở cuộc điều trần trong ba ngày về những khiếu nại đạo luật cải tổ y tế do Tổng Thống Obama ký ban hành năm 2010, hôm Thứ Năm Tối cao Pháp viện công bố phán quyết, với tỷ số 5-4, là đạo luật không vi hiến và có giá trị thi hành.

Những người ủng hộ và chống đối đạo luật cải tổ y tế biểu tình trước Tối cao Pháp viện hoan nghênh và phản đối phán quyết của các thẩm phán. (Hình: Mark Wilson/Getty Images)
Ðiều khoản gây tranh cãi nhiều nhất, bắt buộc mọi người đều phải mua bảo hiểm y tế, được phán quyết là không vi phạm Hiến Pháp. Chánh Thẩm John Roberts gọi đây là một hành động thuộc vào quyền của Quốc Hội được đánh thuế. Ðiều khoản này tài trợ tới 95% chi phí bảo hiểm cho người nghèo, và ai không mua bảo hiểm sẽ bị phạt.
Ðạo luật, có tên gọi chính thức là Affordable Care Act (ACA) có mục tiêu làm cho mọi người dân đều có bảo hiểm y tế. Một số điều khoản của luật ACA đã được thực hiện rồi, như điều khoản cho phép người 25 tuổi trở xuống được đi theo bảo hiểm của cha mẹ.
Luật ACA cũng cấm các hãng bảo hiểm không được từ chối bán cho người đã có bệnh sẵn, hoặc tăng giá đối với họ.
Bản lý giải do Chánh Thẩm Roberts viết ra, lập luận rằng: “Ðạo luật này coi việc không có bảo hiểm y tế là việc mà chính quyền có thể đánh thuế, giống như mua xăng hay có thu nhập. Và nếu sự cưỡng chế chỉ có tác dụng như việc tăng thuế đối với một số người đóng thuế nào đó không có bảo hiểm y tế, thì điều đó thuộc về quyền hạn hợp hiến của Quốc Hội.” Theo ông: “Vấn đề không ở chỗ đấy có phải là lý giải tự nhiên nhất về sự cưỡng chế hay không mà chỉ là có thể công bằng hay không.”
Nhưng mặt khác phán quyết của Tối cao Pháp viện nói rằng chính quyền của Tổng Thống Obama không được phép bó buộc các tiểu bang phải theo ACA nếu không sẽ mất tài trợ liên bang cho Medicaid, chương trình bảo hiểm y tế cho những người dân có thu nhập thấp. Chánh Thẩm Roberts nói áp lực tài chính mà chính quyền liên bang đặt lên các tiểu bang về việc phải mở rộng chương trình Medicaid là “một khẩu súng dí vào đầu.”
Ðiều khoản trong ACA về chương trình Medicaid nhằm vào dự tính mở rộng bảo hiểm y tế cho khoảng 30 triệu dân nghèo, và phán quyết của Tối cao Pháp viện để cho các tiểu bang quyền chọn lựa hay không chọn lựa sự mở rộng ấy.
Trên nguyên tắc, đạo luật ACA đem lại lợi ích cho mọi người, đồng thời nhằm giải quyết được những khó khăn về ngân sách liên bang trong tình hình phí tổn y tế ngày một gia tăng. Hơn 8/10 dân Mỹ hiện nay đã có bảo hiểm y tế, nhưng đối với hầu hết trong số trong tình hình 50 triệu người chưa có bảo hiểm, phán quyết của Tối cao Pháp viện là sự hứa hẹn được bảo hiểm và với một phí khoản khứng chịu được. Người có thu nhập thấp và những gia đình trung lưu có thể được nhận trợ cấp để giúp cho việc trả lệ phí kể từ năm 2014.
Kể từ 2014, các công ty bảo hiểm không được phép từ chối trả chi phí chữa trị cũng như không được tính thêm tiền đối với những người có vấn đề về sức khỏe. Những bảo đảm này dành cho tất cả mọi người bao gồm người mất việc, bị sa thải hay bỏ việc làm ở một hãng lớn để mở cơ sở tiểu thương riêng.
Những người lớn tuổi có bảo hiểm Medicare cũng được hưởng lợi trong việc phải trả tiền thuốc giá cao và không phải trả phụ phí cho thuốc phòng bệnh.
Di dân bất hợp pháp, theo luật, không được hưởng bảo hiểm y tế mới và sẽ là nhóm dân đông nhất không có bảo hiểm.
Bây giờ trọng tâm về luật cải tổ y tế sẽ chuyển từ Washington đến thủ phủ các tiểu bang. Chỉ có 14 tiểu bang và quận Washington D.C. đã chấp thuật sẽ thành lập “thị trường bảo hiểm” như ACA đề ra và sẽ bắt đầu hoạt động từ 1 tháng 1 năm 2014. Hầu hết những tiểu bang do đảng Cộng Hòa lãnh đạo cho đến nay vẫn còn chờ đợi ACA bị hủy bỏ và bây giờ sẽ phải chọn lựa giải pháp. (HC)
NV

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire