mardi 24 juillet 2012

Học sinh Pháp và Anh ‘đội sổ’ châu Âu về ngoại ngữ

Thứ ba 24 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 24 Tháng Bẩy 2012

Học sinh Pháp và Anh ‘đội sổ’ châu Âu về ngoại ngữ

(Tranh minh họa của Marcus Koljonen)
(Tranh minh họa của Marcus Koljonen)

Trọng Nghĩa
Kỹ năng học ngoại ngữ của học sinh Pháp rất kém, được xếp hạng áp chót, đứng trên Anh, trong Liên Hiệp Châu Âu.

Trong các cuộc điều tra quốc tế, hiếm khi học sinh Pháp được xếp vào diện xuất sắc. Theo nhật báo Pháp Le Monde ngày 22/07/2012, một công trình nghiên cứu quy mô của Ủy ban châu Âu về kỹ năng ngoại ngữ của các học sinh thuộc 14 nước châu Âu – công bố ngày 21/06 - đã lại nêu bật thực tế đáng buồn : Học sinh Pháp gần như đứng chót, chỉ hơn được các bạn đồng học người Anh một chút mà thôi.

Cuộc khảo sát do trường đại học Anh Cambridge tiến hành trong năm học vừa qua đã xem xét việc học ngoại ngữ của 54.000 học sinh trung học (tức là cấp hai ở Việt Nam), tuổi từ 14 đến 16, tại các nước trong Liên Hiệp Châu Âu, từ Malta, Slovenia, Hà Lan, Bỉ… cho đến Đức, Anh, Pháp, Thụy Điển… Cuộc điều tra tập trung trên 5 ngoại ngữ chính được học sinh châu Âu chọn làm « ngoại ngữ 1 » và « ngoại ngữ 2 ».
Theo kết quả được công bố, học sinh Pháp gần như đứng cuối bảng xếp hạng : Chỉ có 14% đạt trình độ tốt ở môn ngoại ngữ 1 là tiếng Anh. Nếu xét đến ngoại ngữ 2 - ở Pháp là tiếng Tây Ban Nha - thì tỷ lệ này chỉ còn là 11% mà thôi. Một cách tổng quát, chỉ có 40% học sinh Pháp đạt được trình độ gọi là « cơ sở », tức là hiểu được những thành ngữ thông thường và những câu riêng lẻ.
Điều an ủi duy nhất cho các học sinh Pháp là bạn bè người Anh của các em còn tệ hơn nữa : Chỉ có 9% học sinh Anh nắm vững ngoại ngữ 1 là tiếng Pháp, trong lúc tỷ lệ nắm được ngoại ngữ 2 là tiếng Đức chỉ là vỏn vẹn 6%.
Nhìn chung, có thể thừa nhận rằng đa số người châu Âu không phải là những thiên tài về ngoại ngữ : Kết quả cuộc khảo sát của đại học Cambridge cho thấy là chỉ có 42% học sinh thông thạo được ngoại ngữ thứ nhất mà họ học, và 20% có nắm vững thêm được ngoại ngữ thứ hai.
Neil Jones, chủ nhiệm đề án nghiên cứu, đã không che giấu nỗi thất vọng. Ông giải thích : « Quả là đáng thất vọng vì sau 4, 5 năm học mà gần một nửa số thiếu niên vẫn còn gần như là phải « rặn » ra từng chữ ! ».
Giỏi ngoại ngữ nhất là học sinh Thụy Điển, Ailen, Malta, Hà Lan... Kém cỏi nhất sau Anh và Pháp là học sinh ở các nước Bỉ, Ba Lan, Tây Ban Nha...
Đáng ngạc nhiên hơn cả là Thụy Điển. Nước này đứng đầu bảng xếp hạng về ngoại ngữ 1 là tiếng Anh, với 82% học sinh giỏi, nhưng lại đứng chót khi xét đến ngoại ngữ 2 là tiếng Tây Ban Nha.

Bí quyết giỏi ngoại ngữ : Học từ mẫu giáo và học nhiều thứ tiếng
Đối với ông Neil Jones, cuộc khảo sát « xác nhận sự tồn tại dai dẳng của trình độ ngoại ngữ rất chênh lệch nhau ở châu Âu, xuất phát chủ yếu từ mức độ quan tâm đến một ngôn ngữ nước ngoài. Lý do khiến người Anh kém ngoại ngữ đó là vì Anh ngữ đã trở thành cần thiết ở khắp mọi nơi ». Nhận xét của ông Jones cũng có thể được áp dụng cho Pháp, vì tiếng Pháp đứng hàng thứ hai về tính phổ cập.

Theo ông Neil Jones, bài học rút ra từ cuộc khảo sát quy mô về trình độ ngoại ngữ của các học sinh châu Âu: Cần phải tập trung phát huy các nhân tố đã góp phần giúp việc học ngoại ngữ thành công. Các nhân tố đó có thể là bắt đầu cho trẻ học ngoại ngữ ngay từ nhỏ và trong quá trình học tập chú ý nhiều đến việc rèn luyện kỹ năng nghe và nói ngoài khuôn khổ trường lớp – như qua phim ảnh, âm nhạc, du lịch…

Qua điều tra, người ta đã thấy được chẳng hạn mối liên quan giữa kết quả cao trong việc học tiếng Anh khi tiến trình này đi kèm với việc học ít nhất một ngoại ngữ khác. Các sinh hoạt ngoại khóa như xem phim hoặc các chương trình vô tuyến có hoặc không có phụ đề tiếng Anh, hay là đọc sách bằng tiếng Anh đã giúp cho các học sinh Pháp nâng cao trình độ…

Báo động tại Pháp
Biến việc học ngoại ngữ thành một hoạt động quen thuộc : Đấy là điều đã được khuyến cáo trong một bản báo cáo trình lên cho cựu bộ trưởng giáo dục, Luc Chatel, ngày 07/02/2012 vừa qua. Báo cáo này đề xuất nhiều điểm, trong đó có việc « cho học sinh bắt đầu tiếp cận với ngoại ngữ ngay từ các lớp mấu giáo (...), mà không hạn chế số lượng ngôn ngữ ». Hoặc là, trong trường trung học, cho học 2 ngoại ngữ ngay từ lớp 6, điều đang được áp dụng cho một số ít học sinh Phấp theo học các ban châu Âu hay song ngữ.
Kết luận của công trình nghiên cứu của châu Âu đã gióng lên tiếng chuông báo động tại Pháp. Trả lời nhật báo công giáo Pháp La Croix ngày 18/07/2012, bà Suzy Halimi, Viện trưởng danh dự đại học Sorbonne Nouvelle Paris 3 và cựu chủ tịch của Uỷ ban Chiến lược Ngôn ngữ xác định :
« Việc học ngoại ngữ ở Pháp thực sự là một vấn đề xã hội… Chúng ta chưa nhận thức đầy đủ là ngoại ngữ rất cần thiết cho sự hội nhập của giới trẻ vào xã hội… Người ta thường cho là một đứa trẻ không thể nào học tiếng Pháp và tiếng Anh cùng một lúc, nhưng thực ra, đó là một điều có thể làm được.
Tại các nước Bắc Âu, nơi mà hầu hết các chương trình truyền hình phát bằng tiếng Anh, trẻ em ngay lập tức đắm mình trong một môi trường ngôn ngữ thuận lợi. Ở Pháp, chúng ta không có lợi thế này ».
Đối với bà Halimi, hệ thống truyền hình phải có những chương trình dạy ngoại ngữ cho thiếu nhi, và ngành giáo dục phải thúc đẩy việc học ngoại ngữ ngay từ lúc bé, và với người bản ngữ.
tags: Anh - Châu Âu - Pháp - Văn hóa

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire