Vietnamnet
Người dân ngày càng choáng váng chẳng biết tin... ăn gì vì đồ ăn, thức uống, vốn quen... liên tục bị tố bẩn, nhiễm chất cấm.
Uống bia Hà Nội... bị đau bụng, tiêu chảy
Theo phản ánh của ông Phạm Tuấn Hùng (phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), trước Tết Nguyên đán, gia đình ông đã mua thùng bia Hà Nội mang nhãn hiệu Habeco về để tiếp khách và chúc Tết. Tuy nhiên, sau khi uống bia, người nhà ông đã bị đau bụng, tiêu chảy không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, mới đây lục két bia, ông Hùng còn té ngửa khi phát hiện có 1 chai bia chỉ có dung tích 1/3 so với bình thường, trong khi tem, nhãn còn nguyên chưa hề được mở ra. Đưa ra ngoài chỗ có ánh sáng thì thấy nước trong chai vẩn đục, lắng cặn trong khi hạn sử dụng đến tháng 6/2012.
Uống bia Hà Nội... bị đau bụng, tiêu chảy. |
Đến này, dù nhân viên công ty Habeco ngỏ ý xin lại chai bia bị vơi và vẩn đục nhưng ông Hùng kiên quyết giữ lại để yêu cầu làm rõ vụ việc. “Tôi bất ngờ vì Habeco là thương hiệu có uy tín, vậy mà lại coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng như vậy. Nếu theo cách giải quyết của họ, sức khỏe của gia đình tôi chỉ đáng 2 thùng bia thôi sao?”, ông Hùng bức xúc.
Váng sữa Monte mốc đen
Chị Vi Thị Nga, ở Tiểu khu 4, thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), cho biết ngày 2/5, chị có mua một dây váng sữa Monte (sản phẩm của Công ty Zott CHLB Đức do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Thương mại Delys, có trụ sở tại Hà Nội độc quyền phân phối tại thị trường Việt Nam) tại đại lý gần nhà cho con ăn. Sau khi ăn, cháu có hiện tượng đau bụng đi ngoài. Vì nghi ngờ trước sản phẩm sữa trên, chị Nga đã bóc một hộp váng sữa Monte khác cùng dây ra kiểm tra thì phát hiện hộp váng sữa còn lại đã bị lên mốc, dù hạn sử dụng ghi là 10/6/2012.
|
Váng sữa Monte mốc đen. |
Ông Phạm Vũ Trường, Trưởng phòng quản lý chất lượng, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Thương mại Delys cho biết: Chúng tôi đã có nói chuyện với khách hàng rồi và giải thích để khách hàng hiểu. Chúng tôi cũng đã tìm hiểu nguyên nhân, do đại lý người ta bất cẩn. Đây không phải do lỗi sản xuất, nếu lỗi sản xuất thì nó theo hàng lô, hệ thống mà là do bảo quản...
Thịt lợn gạo bán ở BigC
Theo Ông Đương Văn Vương, Trưởng phòng Hành chính quản lý, Công ty CP Dịch vụ Ô tô 24, công ty là khách hàng thường xuyên của BigC Thăng Long từ tháng 9/2010 tới nay. Tuy nhiên, trong thời gian nhập hàng từ BigC về tiêu thụ, đơn vị này liên tục nhận được hàng thực phẩm kém chất lượng.
Cụ thể, theo phản ánh của ông Vương, sau khi hợp đồng mua hàng được ký kết, ngày 26/11/2010, nhân viên Big C giao thịt lợn gạo cho công ty, bằng cảm quan thì thịt không vấn đề gì nhưng khi nhân viên nhà bếp của mang ra chế biến thì thấy trong các lớp mỡ của thớ thịt nổi lên những hạt nhỏ lốm đốm như hạt gạo bị mốc.
BigC bị tố bán thịt lợn gạo. |
Tuy nhiên, ngày 4/5/2011, sự việc lại tái diễn khi nhân viên nhà bếp của Công ty CP Dịch vụ Ô tô 24 phát hiện một lô hàng thực phẩm xương lợn có mùi hôi thối, màu sắc nhợt nhạt. BigC lại một lần nữa phải lập biên bản, xin lỗi và thu hồi số xương lợn kém chất lượng...
Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ Công chúng và Đối ngoại của BigC cho biết trường hợp phản ánh của Công ty CP dịch vụ Ô tô 24 chỉ do cảm quan, chủ quan của người nhận hàng. "Những phản ánh đó không có căn cứ kiểm nghiệm, không phân biệt sự thay đổi về mặt cảm quan của thịt đã qua trữ lạnh và thịt nóng. Một số trường hợp khách hàng phản ảnh nhiều ngày sau khi đã nhận hàng và trong trường hợp này chất lượng thịt có thể đã thay đổi tùy vào điều kiện bảo quản tại cơ sở của khách hàng", bà Trang cho hay.
Cá nhiễm chất cấm
Trong cuộc kiểm tra ngẫu nhiên ở chợ đầu mối Bình Điền hồi tháng 4 vừa qua, Chi cục Quản lý chất lượng và nguồn lợi thủy sản TP HCM đã phát hiện nhiều mẫu cá diêu hồng (cá sống) bị nhiễm chất Trifluralin. Đây là chất kháng sinh đã bị cấm sử dụng từ năm 2010.
Theo ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Quản lý chất lượng và nguồn lợi thủy sản (QLCL&BVNLTS) TP HCM, dù hàm lượng chất Trifluralin phát hiện là không cao, song đã là chất cấm thì dù hàm lượng thấp vẫn không được phép có mặt trong sản phẩm.
Ông Vĩnh nhận định rằng, từ kết quả xét nghiệm mẫu cá nuôi cho thấy, cá nhiễm chất Trifluralin xuất phát hoàn toàn do sản phẩm chăn nuôi, bởi chất này không có trong thành phần của thức ăn tự nhiên.
Nhiều mẫu cá diêu hồng (cá sống) bị nhiễm chất Trifluralin. |
Được biết, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, Trifluralin là một loại thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm, được đăng ký sử dụng lần đầu tiên ở Mỹ vào năm 1963. Trifluralin rất độc hại đối với sức khỏe của người và động vật. Dư lượng của chúng trong môi trường cũng có thể ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng loại hóa chất này trong sản xuất nông nghiệp.
Tại Việt Nam, theo thông tư năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Trifluralin được đưa vào doanh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thú y thủy sản.
(Theo Đất Việt)
http://vn.news.yahoo.com/khi-p-v-n-th-c-u-ng-040527258--finance.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire