dimanche 6 octobre 2013

Vọp bẻ - Không kiểm soát dễ nguy đến tính mạng

21/07/2008 16:33
Vọp bẻ còn gọi là chuột rút. Vọp bẻ là một triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Biểu hiện của vọp bẻ là co cơ (cơ vân, có khi cả cơ trơn) gây đau đớn, rất khó chịu, xảy ra đột ngột mang tính chất cấp tính. Vọp bẻ sẽ làm hạn chế vận động hoặc ngừng vận động. Vọp bẻ nhiều khi gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân gây vọp bẻ là gì?
 Khi bơi lội bị chuột rút rất nguy hiểm.

Có rất nhiều nguyên nhân gây vọp bẻ tùy theo từng trường hợp khác nhau. Nguyên nhân hay gặp nhất là hiện tượng mất nước, mất chất điện giải trong lao động nặng nhọc (thợ mỏ, thợ sửa chữa đường điện, công nhân bốc vác..); trong thể dục thể thao (bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội...). Ngoài hiện tượng mất nước thì có hiện tượng thiếu hụt canxi, kali, natri, magiê máu trong một khoảng thời gian ngắn do cơ thể chưa điều chỉnh kịp hoặc không đủ để điều chỉnh. Vọp bẻ cũng thường hay xuất hiện do lạnh kết hợp với vận động mạnh như khi tắm, bơi lội ở sông, biển. Vọp bẻ cũng có thể gặp trong một số bệnh lý thuộc tĩnh mạch, điển hình là ở người giãn tĩnh mạch nông như giãn tĩnh mạch chân. Vọp bẻ xảy ra trong các trường hợp này là do hiện tượng ứ đọng máu trong lòng tĩnh mạch bởi sự giảm về chức năng và các van tĩnh mạch. Người ta cũng gặp một số trường hợp vọp bẻ gây cơn đau dạ dày cấp mà có thể là do ngộ độc thức ăn hoặc một số phụ nữ bị đau bụng kinh.

Vọp bẻ có nguy hiểm không?
Như phần trên đã giới thiệu vọp bẻ sẽ gây đau cơ cấp tính. Gần như các trường hợp vọp bẻ đều phải ngừng hoạt động và cần được chăm sóc ngay. Tuy vậy, không phải trường hợp vọp bẻ nào cũng được xử trí kịp thời. Nguy hiểm nhất của vọp bẻ là khi đang leo trèo (công nhân đường dây điện, thợ xây...); đang bơi lội, đang tắm ở sông, biển... nếu không được xử lý kịp thời thì rất nguy hiểm đến tính mạng.

Có thể dự phòng vọp bẻ hay không?
Hầu hết các trường hợp vọp bẻ là do thiếu nước, chất điện giải khi đang lao động, vận động quá sức vì vậy các đối tượng lao động nặng nhọc, vận động viên cần uống đủ nước, ăn đủ lượng muối cần thiết. Ngoài ra nếu có điều kiện nên mang theo nước uống khi đang lao động, tập luyện. Hằng ngày cần ăn đủ các chất để cung cấp năng lượng cần thiết trước khi bước vào công việc nặng nhọc hoặc tập luyện cũng như thi đấu. Đối với vận động viên bơi lội, người đi tắm biển trước khi xuống nước cần có một thời gian nhất định để khởi động, không để cơ thể tiếp xúc với lạnh một cách đột ngột.
Đối với người bị giãn tĩnh mạch chân cần đi khám định kỳ và điều trị một cách nghiêm túc bởi vì ngoài triệu chứng vọp bẻ thì giãn tĩnh mạch chân còn có nhiều triệu chứng và biến chứng khác liên quan mật thiết với nhau.

Vọp bẻ có điều trị được không?
Trước hết đối với người có tiền sử hay bị vọp bẻ cần đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây vọp bẻ, trên cơ sở đó sẽ có chỉ định điều trị một cách thích hợp nhằm ngăn ngừa không cho hiện tượng vọp bẻ xảy ra. Tùy theo từng nguyên nhân mà bác sĩ sẽ có những chỉ định, thích hợp cho từng trường hợp cụ thể, ví dụ thiếu nước và chất điện giải thì bù nước, bù chất điện giải bằng cách uống hoặc truyền dịch. Ăn thức ăn, rau, quả có nhiều chất canxi, kali hằng ngày là thực sự cần thiết cho mọi người, đặc biệt cho những người có tiền sử bị vọp bẻ và có nguy cơ cao vọp bẻ như những người lao động nặng nhọc, vận động viên. Người ta cũng có thể dùng các thuốc gây giãn cơ để điều trị triệu chứng vọp bẻ. Khi bị vọp bẻ, việc xoa bóp trực tiếp hoặc xịt, thoa các thuốc làm giãn cơ như dầu gió, deefheat cũng có tác dụng ngay tức thì. Đối với giãn tĩnh mạch chân, có các phương pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa. Tất nhiên bao giờ cũng áp dụng điều trị nội khoa trước bằng cách uống thuốc, băng chun chân, hạn chế đứng lâu và khi đi ngủ nên kê chân cao hơn đầu. Nếu điều trị nội khoa thất bại, có thể điều trị bằng ngoại khoa (phẫu thuật hay gây xơ hóa tĩnh mạch).
Chuột rút do ngộ độc thức ăn gây đau dạ dày cấp thì cần loại bỏ ngay chất gây ngộ độc bằng cách móc họng để gây nôn, rửa dạ dày. Đau bụng kinh nghi do chuột rút có thể dùng một số thuốc làm giảm co thắt cơ tử cung như dolffenal, indomethacin...
PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu
PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire