lundi 2 juillet 2012

'Muốn sinh thêm con nên dùng cách tránh thai dễ hồi phục'

Facebook  Twitter  Google Bookmarks    E-mail     Bản In
'Muốn sinh thêm con nên dùng cách tránh thai dễ hồi phục'
Dùng thuốc ngừa thai uống viên kết hợp, miếng dán tránh thai, thuốc đặt diệt tinh trùng hoặc cấy que là những biện pháp tránh thai hiện đại có hồi phục dành cho phụ nữ chưa sinh hoặc sẽ có thêm con, hai bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà và Hồ Thị Ngọc cho biết trên VnExpress.net chiều 18/8.
- Em mới cưới và đã sử dụng thuốc ngừa thai Marvelon vỉ màu xanh khoảng vài tháng, nay em mới chuyển sang vỉ màu hồng Mercilon. Em muốn ngừa thai thêm hai năm nữa. Tình trạng sức khỏe của em tốt. Xin hỏi bác sĩ có cách ngừa thai nào khác ngoài uống thuốc mà không gây hại về sau, nếu phải uống thuốc thì uống nhiều như vậy có tác hại gì đến về sau không? Uống như thế nào là tốt nhất? Chồng em có thể ngừa thai thay em được không? (em không dùng được bao cao su, vì hay bị rát). (Pham Ly, 25 tuổi, Huế)
- Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà: Tất cả biện pháp ngừa thai đều có ảnh hưởng đến người phụ nữ. Riêng biện pháp thuốc nội tiết tránh thai thì khi mình đưa một lượng nội tiết ngoại lai vào trong cơ thể sẽ gây ra ức chế rụng trứng nên là biện pháp này ngừa thai tốt. Nhưng bên cạnh đó cũng có vài tác dụng phụ như: tăng cân, nám da, đau đầu, căng ngực... Do đó, nếu dùng một loại thuốc liên tục kéo dài thì sẽ không tốt. Một năm nên dùng 10 tháng (2 tháng còn lại nên dùng biện pháp khác như: dùng bao...).
- Tôi 39 tuổi, đã có hai con. Tôi từng uống thuốc tránh thai (thuốc Diane 35) nhưng được 3 tháng thì ngừng bởi thấy không phù hợp (tăng cân, giảm ham muốn và cương ngực...). Tôi nghe nói có phương pháp tránh thai bằng cách tiêm hoặc dán miếng tránh thai. Xin hỏi bác sĩ ưu và nhược điểm của hai phương pháp trên? Phương pháp nào thì phù hợp với lứa tuổi của tôi? (Mai Linh, 25 tuổi, Hà Tĩnh)
- BS Hà: Dù là thuốc ngừa thai loại dán hay loại tiêm đều là thuốc nội tiết từ bên ngoài đưa vào cơ thể để ức chế rụng trứng. Bên cạnh đó, cả hai loại thuốc này đều có một số tác dụng phụ như: tăng cân, nám da, căng ngực, nhức đầu...
Phương pháp tiêm ngừa thai thì 3 tháng chích một lần. Trong khoảng thời gian này, người sử dụng không có hoặc có kinh ít.
Thuốc dán: một tuần phải dán một miếng, một tháng dán 3 tuần liên tục, nghỉ một tuần. Tuần thứ 4, người sử dụng sẽ có kinh như bình thường.
Cả hai phương pháp này đều phù hợp với lứa tuổi của chị. Tuy nhiên, cơ địa mỗi người sẽ thích hợp với một loại nội tiết khác nhau nên chị phải dùng thử để biết mình thích hợp với loại thuốc nào.
- Xin bác sĩ cho em hỏi: em lấy chồng được 7 tháng, mỗi tháng có dùng 2 viên tránh thai khẩn cấp, có tháng dùng 4 viên trong vòng 7 tháng, như vậy có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của em sau này không, dự định hai đứa em kế hoạch 2 năm vì chồng em làm bộ đội, em xin chân thành cảm ơn! (Thu Bền, 27 tuổi, Nha Trang)
- BS Hà: Thuốc ngừa thai khẩn cấp không phải là loại thuốc dùng thường xuyên để ngừa thai. Nó chỉ dùng cho trường hợp khẩn cấp, như: bao cao su bị thủng... Nếu lạm dụng thuốc sẽ gây bong tróc nội mạc tử cung nhiều lần dẫn đến rong kinh, rong huyết, khó điều trị. Hơn nữa, sự bong tróc nhiều lần của nội mạc tử cung sẽ gây khó khăn cho việc làm tổ của thai sau này.
Các bác sĩ trả lời trực tuyến các câu hỏi của độc giả VnExpress.net. Ảnh: Thiên Chương
- Em năm nay 28 tuổi vừa mới sinh con từ tháng 4. Em muốn nhờ bác sĩ tư vấn giúp sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả và an toàn nhất vì em có một khối u xơ tử cung, kích thước khi sinh 78mm x 63mm. Nếu em muốn dùng que cấy để tránh thai thì có được không? Em có cần phải kiểm tra trước khi cấy que tránh thai không? Khi cấy que tránh thai có gây ra các phản ứng phụ như đặt vòng không? (Hoàng Thị Thu, 28 tuổi, Đắk Lắk)
- Bác sĩ Hồ Thị Ngọc: Sử dụng biện pháp tránh thai nào thì tùy thuộc vào việc em có cho con bú hay không? Nếu em cho bú thì chỉ nên sử dụng loại thuốc ngừa thai uống chỉ có Progestin. Trên thị trường hiện nay có tên là Exluton. Thuốc này cũng có tác dụng tốt đối với u xơ tử cung.
Que cấy chống thai Implanon cũng có thể dùng, được bắt đầu từ ngày đầu tiên của kỳ kinh, sử dụng được trong 3 năm. Nếu muốn tiếp tục dùng sẽ lấy que cũ và cấy lại que mới sau thời hạn 3 năm. Cả hai thuốc Exluton và que cấy Implanon đều phù hợp cho người có u xơ tử cung.
Ngoài ra, em có thể đặt vòng có Progestin cũng rất thích hợp với người có u xơ tử cung. Tuy nhiên, hiện nay vòng còn chưa phổ biến trên thị trường Việt Nam.
- Em năm nay 29 tuổi (nhân viên văn phòng), có một con gái 11 tháng tuổi, em vừa cai sữa cho cháu. Xin bác sĩ cho biết ngừa thai bằng thuốc và đặt vòng phương pháp nào tốt hơn. Vì em hay bị viêm âm đạo, đặt vòng có ảnh hưởng gì không. Nếu uống thuốc ngừa thai thì nên chọn loại thuốc nào? (Vân Dung, 29 tuổi, Thái Nguyên)
- BS Hà: Đối với những người phụ nữ bị viêm âm đạo thì không được đặt vòng. Thủ thuật đặt vòng có thể làm cho tình trạng viêm nhiễm sinh dục nặng thêm, đặc biệt là sự chít hẹp ống dẫn trứng do viêm, dẫn đến hậu quả xấu nhất là vô sinh hoặc thai ngoài tử cung.
Thuốc ngừa thai có rất nhiều loại, nhiều dạng sử dụng khác nhau. Bạn có thể chọn những loại có hiệu quả ngừa thai cao, dễ sử dụng, dễ nhớ và ít tác dụng phụ. Ví dụ như: thuốc dán tránh thai (1 tuần dán 1 miếng, thực hiện trong 3 tuần liên tục). Đây là thuốc hấp thụ qua da, không qua đường tiêu hóa nên hiệu quả của thuốc không thay đổi khi bị tiêu chảy, ói mửa. Điều quan trọng của loại thuốc dán là nồng độ thuốc đưa vào máu ổn định nên ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, cơ địa mỗi người phù hợp với một loại thuốc khác nhau, nên bạn cần dùng thử để xác định loại nào phù hợp.
- Tôi muốn biết đối với biện pháp ngừa thai dùng miếng dán mức độ đảm bảo được bao nhiêu phần trăm và các tác dụng phụ của phương pháp này. Nếu tôi dùng lâu ngày sau này tôi muốn có con có gặp trở ngại hay không? Xin cám ơn (Hong Van, 25 tuổi, Quảng Bình)
- BS Hà: Hiệu quả ngừa thai của miếng dán 99,9% nếu bạn sử dụng đúng. Tác dụng phụ của miếng dán tránh thai cũng tương tự như tất cả các loại thuốc tránh thai khác (loại uống, chích, cấy...) như nhức đầu, căng ngực, tăng cân... Tuy nhiên, loại thuốc dán tránh thai có hiệu quả đối với các trường hợp như tiêu chảy hoặc ói mửa vì thuốc hấp thụ qua da, không qua đường tiêu hóa. Vấn đề nhức đầu của loại dán cũng thấp hơn so với các loại khác do nồng độ thuốc nội tiết trong máu ổn định.
- Xin bác sĩ cho em hỏi: cách tính chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai như thế nào? Người yêu em có kinh vào ngày 18 - 20 hằng tháng thì ngày nào là ngày an toàn và ngày nào là ngày nguy hiểm? Em xin chân thành cảm ơn? (Lê Trần Thanh Quang, 25 tuổi, TP HCM).
- BS Hà: Nếu chu kỳ kinh nguyệt của cô bạn gái đều đặn hàng tháng (30 ngày), thì ngày rụng trứng sẽ là ngày thứ 14 của chu kỳ kinh. Nếu ngày có kinh của bạn gái là ngày 18 thì ngày rụng trứng là mùng 4. Do vậy, khoảng nguy hiểm (dễ mang thai) là từ ngày 30 tháng trước đến ngày mùng 9 tháng sau. Ngoài khoảng thời gian này, độ an toàn sẽ cao hơn, tuy nhiên không loại trừ khả năng rụng trứng bất thường.
- Thưa bác sĩ, tôi bị viêm gan B mãn tính, nhưng đã điều trị ổn định, hiện men gan bình thường. Tôi đã đặt vòng, nhưng không hợp và phải tháo vòng ra. Dùng bao cao su thì thấy cũng không tiện lắm. Tôi muốn uống thuốc tránh thai thì xin bác sĩ tư vấn cho tôi biết có nên không và nên dùng loại thuốc nào ít ảnh hưởng tới chức năng gan nhất? Xin cảm ơn. (Nguyễn Lan Hương, 34 tuổi, 65 Quán Thánh - HN)
- BS Hà: Nói chung tất cả các loại thuốc nội tiết tránh thai đều có ảnh hưởng đến gan vì gan là cơ quan lọc thải các hóa chất trong cơ thể. Nếu một người phụ nữ bị bệnh gan mãn tính thì không nên sử dụng các loại thuốc nội tiết mà nên dùng các biện pháp không xâm lấn như bao cao su, thuốc diệt tinh trùng hoặc xuất tinh ngoài âm đạo.
- Lời đầu xin gửi lời chào trân trọng đến hai bác sĩ tham gia phỏng vấn trực tuyến. Em có một câu hỏi xin lời khuyên của hai bác sĩ. Lúc chưa đặt vòng chu kỳ kinh kỳ kéo dài khoảng 5 ngày, sau khi đặt thì ra nhiều hơn và thường kéo dài hơn 1 tuần. Em muốn biết hiện tượng đó có bình thường đối với người đặt vòng hay không? Nếu tháo vòng và muốn đặt vòng lại thì cần một khoảng thời gian bao nhiêu giữa 2 lần đặt? (Mr Bean's Daddy, 33 tuổi, Karori, New Zealand)
- Bs Ngọc: Đặt dụng cụ tử cung vòng tránh thai có thể gây ra máu kinh nhiều hơn bình thường hoặc kinh kéo dài hơn bình thường. Nếu việc tăng lượng máu kinh hoặc tăng số ngày có kinh nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vẫn có thể duy trì dụng cụ tử cung. Trong những trường hợp mất máu nhiều gây thiếu máu hoặc kinh kéo dài trên 1 tuần, hay ra máu giữa kỳ kinh em cần khám phụ khoa để được điều trị thích hợp. Sau đặt vòng em cần khám lại trong tháng đầu tiên để đánh giá lượng máu mất mỗi kỳ kinh, sau đó mỗi 6 tháng khám lại 1 lần. Vòng cần được thay sau mỗi 5 năm vào lúc có kinh, không cần có thời gian nghỉ giữa lúc tháo vòng và đặt lại vòng mới.
- Chào bác sĩ, em quen bạn trai, đang dùng thuốc ngừa thai hàng ngày, 2 đứa em chuẩn bị tiến tới hôn nhân. Sắp đến ngày cưới rồi, nhưng do tác dụng phụ của thuốc, em thấy mình mập ỳ ạch lên, lại hơi khó chịu. Xin bác sĩ tư vấn cho em phương pháp ngừa thai khác, que cấy, tiêm hay dùng miếng dán được không bác sĩ? (Vũ Khánh Thư, 25 tuổi, Bình Thạnh)
- BS Ngọc: Đa số các thuốc ngừa thai có tác dụng giữ nước gây tăng cân. Nếu em cần ngừa thai trong một giai đoạn ngắn thì có thể dùng thuốc đặt âm đạo diệt tinh trùng (Pharmatex hoặc VCF). Thuốc có tác dụng sau 15 phút đặt vào âm đạo và kéo dài trong 1h. Nếu trên 1h em mới có quan hệ tình dục thì cần đặt viên mới.
Que cấy Implanon hay thuốc ngừa thai dạng tiêm và thuốc dán đều là các nội tiết tránh thai, tác dụng ngừa thai nhưng cũng có thể gây tăng cân. Tuy nhiên các thuốc ngừa thai thế hệ mới như: Cilest, Mercilon có thành phần Progestin mới như Norgestimate, Desogestrel thì có tác dụng phụ ít hơn.
- Cháu hiện tại sinh con được 9 tháng nhưng cháu vẫn chưa có kinh trở lại. Vậy cháu muốn hỏi cách tránh thai khi con vẫn còn đang bú (Đinh Huyền, 27 tuổi, Hải Phòng)
- BS Ngọc: Đang cho con bú vẫn có thể có thai nhất là khi con trên 4 tháng tuổi do bé bắt đầu ăn dặm, các cữ bú mẹ thưa dần ra nên hiệu quả ngừa thai kém. Đang cho con bú có thể sử dụng các biện pháp tránh thai như đặt vòng, cấy que Implanon, uống thuốc ngừa thai loại chỉ có Progestin (Exluton), thuốc đặt âm đạo diệt tinh trùng (Pharmatex, VCF).
Bác sĩ Ngọc cân nhắc câu trả lời cho độc giả. Ảnh: Thiên Chương
- Xin cho biết mức độ an toàn sử dụng vòng tránh thai? Có những tác dụng phụ gì? Trường hợp nào thì không nên dùng? (Hoangyen, 31 tuổi, Hà Nội)
- BS Hà: Hiệu quả tránh thai của vòng là 97%. Tác dụng phụ của vòng: rong kinh, rong huyết, khí hư âm đạo, chằn bụng, đau lưng... Đôi khi có thể gặp phải vòng xuyên cơ tử cung vào trong ổ bụng, xảy ra ở những người phụ nữ mới sinh hoặc đang cho con bú. Không nên sử dụng vòng trong các trường hợp sau: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, viêm nhiễm sinh dục, dị dạng tử cung...
- Em năm nay 29 tuổi (nhân viên văn phòng), em có một bé gái đầu 11 tháng, đang cho con bú, em bị hẹp tử cung. Em muốn nhờ bác sĩ tư vấn cho em biện pháp tránh thai. Liệu em đặt vòng có được không và những phản ứng phụ khi đặt vòng là gì? (Thanh Thanh, 29 tuổi, Thủ Đức, TP HCM)
- BS Ngọc: Dụng cụ tử cung thích hợp cho người đã có con hoặc người đã từng có thai và bỏ thai, thường được đặt vào đầu kỳ kinh. Sau khi đặt dụng cụ tử cung trong những ngày đầu, người phụ nữ có thể đau bụng dưới nhẹ, ra huyết vài ngày. Nếu không thích hợp, cụ thể như ra huyết kéo dài trên 7 ngày trong mỗi kỳ kinh, ra huyết bất thường giữa kỳ kinh và điều trị bằng thuốc không hiệu quả cần được lấy vòng ra. Nếu em chưa đặt vòng thì không thể kết luận là tử cung nhỏ không đặt vòng được.
- Một trong những cách ngừa thai an toàn là xuất tinh ngoài. Nhưng gần đây một nghiên cứu cho thấy cách làm này có thể dẫn đến liệt dương và (hoặc) thay đổi trạng thái tình dục ở người nữ, trong khi đó đây lại là cách mà chúng tôi thường áp dụng. Vậy phải hiểu như thế nào cho trường hợp này? (Hoàng Hà, 38 tuổi, Quận 1, TP HCM)
- BS Ngọc: Xuất tinh ngoài không gây liệt dương, tuy nhiên có thể việc xuất tinh ngoài đã kết thúc quan hệ tình dục trong thời điểm người phụ nữ chưa đạt khoái cảm. Ngoài ra cần nhớ trong những giọt tinh dịch đầu tiên đã có thể chứa tinh trùng. Do đó người phụ nữ có thể có thai nếu kỹ năng thực hiện xuất tinh ngoài của nam giới chưa tốt.
- Xin BS cho biết vợ chồng tôi sử dụng bao cao su để tránh thai nhưng không dùng ngay từ lúc ban đầu mà khi gần xuất tinh thì mới dùng. Liệu như thế có an toàn không và liệu trước lúc xuất tinh thì có thể có tân binh nào lọt ra ngoài được không? (Hà Tân, 30 tuổi, Hoàng Mai - Hà Nội)
- BS Hà: Hiệu quả ngừa thai của bao cao su là khoảng 75-90%, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cách sử dụng. Người đàn ông phải mang bao cao su ngay từ khi bắt đầu giao hợp cho đến khi hoàn tất để đảm bảo hiệu quả ngừa thai ở mức cao nhất. Nếu không mang bao từ đầu có thể có giọt tinh dịch đầu tiên được xuất tiết có chứa lượng tinh trùng đáng kể, có khả năng gây thụ thai.
- Em và chồng thường quan hệ trong ngày "đèn đỏ". Xin hỏi bác sĩ có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và có thể có thai không? (Bui Thu Trang, 25 tuổi, Me Tri, Tu Liem, HN)
- BS Hà: Ngày hành kinh của người phụ nữ thì không có hiện tượng rụng trứng, do đó không thể có thai. Tuy nhiên, nếu quan hệ vợ chồng trong ngày hành kinh dễ dẫn đến viêm nhiễm sinh dục gây hậu quả xấu về sau, như: viêm vùng chậu mãn tính, lạc nội mạc tử cung, thai ngoài tử cung, vô sinh...
- Tôi bị mỏng nội mạc tử cung nên bác sĩ cho dùng Marvelon trong 3 tháng rồi tái khám lại xem tình hình. Nhưng tôi nghe nói dùng thuốc tránh thai thì không tốt cho việc thụ thai sau này (khó thụ thai). Tôi đã bị hư thai một lần nên rất lo lắng. Mong bác sĩ tư vấn thêm về dùng thưốc tránh thai trong việc điều trị mỏng nội mạc tử cung. (Canary, 26 tuổi, Quận 1)
- BS Ngọc: Marvelon được dùng để điều trị trong những trường hợp thiểu kinh hoặc vô kinh do có chứa Estrogen và Progestogen. Tuy nhiên, việc cung cấp Marvelon trong suốt chu kỳ không giống như các nội tiết tố tự nhiên được sản xuất từ buồng trứng, đặc biệt có tác dụng gây ức chế rụng trứng nên em không thể có thai trong giai đoạn sử dụng marvelon được.
Đang dùng Marvelon nếu quên từ 2 viên trở lên, em đã có thể có thai nếu không dùng một biện pháp tránh thai phối hợp. Do đó, lo lắng sau này có khó thụ thai hay không còn tùy thuộc vào hoạt động của buồng trứng có tốt hay không (cụ thể hiện nay, nội mạc tử cung mỏng có thể đã có dấu hiệu bất thường về nôi tiết). Để thăm dò hoặc điều trị cho có con, em cần khám hiếm muộn chứ không phải điều trị mỏng nội mạc tử cung.
- Xin bác sĩ cho em hỏi: Ngay sau khi em đặt vòng tránh thai, em bị ngất xỉu ngay trong phòng khám, như vậy là em có vấn đề gì? Do không thích ứng với vòng tránh thai hay là vấn đề gì khác? Sau khi đặt vòng tránh thai quan hệ vợ chồng có gì cần kiêng kỵ hay không, ví dụ như tư thế quan hệ hoặc khống chế lực để tránh vòng tránh thai bị gẫy? (Hà Hồng Bảo, 32 tuổi, Hải Phòng)
- BS Hà: Khi đang đặt vòng mà bị ngất xỉu là do quá đau hoặc quá sợ, chứ không phải do tác dụng phụ của vòng. Sau khi đặt vòng tránh thai, nếu tái khám không có bất thường gì thì có thể quan hệ vợ chồng bình thường như trước đó.
- Tôi đã có 2 con hiện đang uống thuốc Regulon được 4 năm rồi. Bác sĩ cho hỏi tôi có phải ngưng thuốc một thời gian hay không, hay uống liên tục được, tôi nghe nếu uống thuốc ngừa thai liên tục trong thời gian dài sẽ có nguy cơ bị ung thư tử cung hay ung thư vú phải không ạ? Xin cám ơn (Hồng Anh, 35 tuổi, TP HCM)
- BS Ngọc: Thuốc ngừa thai loại uống hiện nay có rất nhiều thuốc mới với tác dụng phụ rất ít. Các nghiên cứu gần đây cho thấy sử dụng thuốc ngừa thai uống viên kết hợp Estrogen và Progestogen các loại mới càng sử dụng lâu tác dụng càng tốt đối với cơ thể trong việc tạo một nồng độ nội tiết tố ổn định trong cơ thể và không cần nghỉ một thời gian rồi mới dùng lại. Sử dụng thuốc ngừa thai còn có các tác dụng phụ tốt như giảm mụn trứng cá, giảm các triệu chứng tiền kinh, giảm đau bụng kinh phòng ngừa các khối u buồng trứng... Để phát hiện ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung, ung thư vú em cần khám phụ khoa định kỳ hàng năm dù có sử dụng thuốc tránh thai hay không.
- Cách nào ngừa thai an toàn nhất ngoài sử dụng bao cao su, cảm ơn (Pham Thanh Tuan, 25 tuổi, Quan 5, TP HCM)
- BS Hà: Ngừa thai vĩnh viễn thì nên triệt sản. Ngừa thai tạm thời, hiệu quả ngừa thai như sau:
Đầu tiên là thuốc nội tiết tránh thai (loại phối hợp) đạt 99,9%.
Dụng cụ tử cung khoảng 95-97%.
Thuốc diệt tinh trùng hơn 90% (phải tuân thủ đúng kỹ thuật)
- Em có cô bạn đang dùng thuốc ngừa thai hàng ngày, cô ấy uống đều đặn không quên ngày nào, nhưng không hiểu sao cô ấy vẫn bị dính bầu, tại sao vậy thưa bác sĩ (Gau In, 25 tuổi, Ha noi)
- BS Ngọc: Thuốc ngừa thai dùng đúng có hiệu quả 99%, tuy nhiên đối với những người đang có sử dụng những thuốc kháng lao như Rifampicine, thuốc kháng nấm là những thuốc có tác dụng đối kháng với thuốc ngừa thai nên làm giảm tác dụng của thuốc ngừa thai. Em và bạn cần kiểm tra lại các thuốc đã sử dụng trong thời gian qua hoặc nên khám phụ khoa để bác sĩ chọn lại thuốc khác thích hợp hơn.
- Hai vợ chồng em không gần nhau nhiều, chỉ khoảng 2 lần một tháng. Xin bác sĩ cho biết em nên ngừa bằng cách nào thì tốt nhất? Thuốc ngừa thai uống được tối đa trong mấy năm? (Thai Thanh, 36 tuổi, Q. Tan Phu)
- BS Hà: Vì số lần quan hệ của vợ chồng bạn là khá ít (trung bình là 2 lần trong một tháng) nên phương pháp ngừa thai tốt nhất là dùng bao cao su. Nếu sử dụng thuốc nội tiết thì bạn có thể dùng loại tránh thai khẩn cấp. Thuốc ngừa thai (loại phối hợp) có thể sử dụng trong nhiều năm. Tuy nhiên, không nên uống liên tục trong 1 năm mà chỉ nên uống liên tục trong 10 tháng và nghỉ 2 tháng.
Bác sĩ Hà: "Mỗi năm uống thuốc ngừa thai trong 10 tháng, nghỉ 2 tháng còn lại, uống đến năm 45 tuổi thì ngưng nếu không muốn sinh thêm con nữa". Ảnh: Thiên Chương
- Xin bác sĩ cho em hỏi: em có thể tránh thai bằng cách quan hệ theo chu kỳ kinh được hay không và liệu có an toàn không? (em không dùng bao cao su được). (Ví dụ em canh vừa dứt kỳ kinh là quan hệ trong khoảng 3-4 ngày, rồi sẽ quan hệ từ ngày 25 đến 28). (Mạnh Cường, 26 tuổi, TP HCM)
- BS Ngọc: Ngừa thai bằng phương pháp Ogino - Knauss (tính theo vòng kinh) có hiệu quả không cao do việc rụng trứng thường xảy ra vào thời điểm 2 tuần trước khi có kinh. Tuy nhiên, việc rụng trứng có thể thay đổi khi có bệnh nội khoa nặng hoặc có những sang chấn tâm lý. Do đó, ngừa thai bằng phương pháp này hiện nay không được xem là biện pháp tránh thai hiện đại. Nếu không sử dụng bao cao su, em có thể sử dụng các biện pháp tránh thai khác như: uống thuốc ngừa thai, dùng miếng dán ngừa thai Evra, dùng thuốc đặt âm đạo diệt tinh trùng, cấy que Implanon, đặt vòng tránh thai ...
- Em và chồng em có sử dụng bao cao su để ngừa thai, nhưng mỗi khi gần lên đỉnh, chồng em xuất tinh là em lại thấy tinh dịch chảy ra ngoài làm em không yên tâm. Nếu chồng em rút ra rồi xuất tinh thì em không được thỏa mãn, cho hỏi có cách nào giúp em thoải mái hơn không? Em chân thành cám ơn. (Minh Quyên, 28 tuổi, Trảng Bom, Đồng Nai)
- BS Ngọc: Bao cao su được sử dụng ngay từ khi bắt đầu giao hợp, không sử dụng khi sắp xuất tinh vì những giọt tinh dịch đầu tiên đã có thể gây có thai. Mang bao cao su cũng cần phải đúng cách nếu dùng bao cao su mà tinh dịch vẫn chảy ra ngoài. Vợ chồng em cần đến các phòng khám phụ khoa để học cách sử dụng bao cao su đúng cách. Sau khi tháo bao cao su cũng cần phải kiểm tra lại xem bao cao su bị thủng gây thoát tinh dịch ra ngoài hay không.
- Tôi là phụ nữ có tử cung đôi, phương pháp tránh thai nào là tốt nhất với tôi (tôi không muốn uống thuốc tránh thai vì nhiều tác dụng phụ)? (Nguyen Huyen, 28 tuổi, Dich Vong - Ha Noi)
- BS Ngọc: Đối với các trường hợp có tử cung đôi khi không dùng vòng tránh thai được, các biện pháp khác như uống thuốc ngừa thai, dán miếng ngừa thai Evra, cấy que Implanon đều được.
- Em đã có 2 con nhưng đều mổ đẻ, ngừa thai an toàn, em muốn đặt vòng nhưng đến các bệnh viện sản đều trả lời không được đặt vòng vì mổ đẻ 2 lần. Uống thuốc ngừa thai thì em rất đau đầu và buồn nôn. Vậy có thể đặt vòng được không? (Thu Phương, 34 tuổi, Nghĩa Đô - Cầu Giấy, Hà Nội)
- BS Hà: Có thể đặt vòng ở trường hợp mổ đẻ. Ngoài ra, bạn có thể dùng các biện pháp tránh thai khác, như: dùng bao cao su, thuốc diệt tinh trùng. Tốt nhất là nên triệt sản khi lớn hơn 35 tuổi và đã có 2 con.
- Triệt sản nữ có ảnh hưởng gì về sau. (Trần Tấn Thành, 41 tuổi, Phường An Bình, Biên Hòa, Đồng Nai)
- BS Ngọc: Kỹ thuật triệt sản là cắt ống dẫn trứng một đoạn ngắn để trứng và tinh trùng không gặp nhau được gây thụ thai. Kinh nguyệt vẫn có hàng tháng ở người phụ nữ đã triệt sản và buồng trứng vẫn hoạt động bình thường, các nội tiết tố được buồng trứng sản xuất ngấm vào máu trực tiếp nên không ảnh hưởng gì đến các đặc tính của giới tính nữ.
- Sử dụng thuốc ngừa thai dạng tiêm ảnh hưởng như thế nào đến chu kỳ kinh nguyệt? Tôi đã tiêm mũi thứ nhất, và bị mất kinh 3 tháng. Đến nay đã qua tháng thứ 4 và đã tiêm mũi thứ 2, vẫn không thấy có kinh trở lại. Ngoài ra, khi quan hệ, dịch nhờn của tôi giảm hẳn so với trước khi tiêm thuốc. Xin cho biết có phải nguyên nhân do tiêm thuốc hay không? (Ngọc Giàu, 30 tuổi, Q.11, TP HCM)
- BS Hà: Thuốc ngừa thai dạng tiêm 3 tháng một lần thường gây kinh ít hoặc không có kinh. Có những trường hợp nhạy thuốc, khi ngừng sử dụng thì 6 tháng đến một năm mới có kinh trở lại, bên cạnh đó, có thể gây khô rát âm đạo khi giao hợp. Hiện nay có nhiều loại thuốc ngừa thai sử dụng bằng cách: uống, dán, cấy sẽ khắc phục những nhược điểm của thuốc ngừa thai dạng tiêm.
- Xin hỏi bác sĩ là phương pháp tránh thai theo kiểu truyền thống mà các cụ ta vẫn làm là ngồi xổm và xả nước thật mạnh sau khi quan hệ liệu có chính xác không? Và có hiệu quả không? Tôi cũng muốn áp dụng theo, mong bác sĩ giải đáp (Nguyên Trang, 28 tuổi, Cầu Giấy Hà Nội)
- BS Ngọc: Đây là một biện pháp không khoa học, nếu em áp dụng vẫn có thể có thai. Em nên áp dụng các biện pháp ngừa thai hiện đại khác như: thuốc uống tránh thai, miếng dán tránh thai Evra, đặt vòng tránh thai, cấy que Implanon, đặt thuốc diệt tinh trùng hay dùng bao cao su...
- Vợ chồng em đều không thích sử dụng bao cao su, sau khi sinh con em thấy khô khi quan hệ nên thường dùng đến chất bôi trơn. Xin hỏi bác sĩ, nếu sử dụng chất này lâu ngày có tác dụng phụ gì không. Xin cám ơn. (Minh, 25 tuổi, TP HCM)
- BS Ngọc: Bao cao su chỉ là một trong những biện pháp tránh thai hiện đại có hiệu quả cao đồng thời phòng ngừa được các bệnh lây qua đường tình dục mà các biện pháp tránh thai khác không có. Tuy nhiên một số người cảm thấy giảm khoái cảm khi dùng biện pháp này. Nếu không dùng bao cao su em có thể dùng các biện pháp tránh thai khác. Sau khi sinh do buồng trứng hoạt động chưa bình thường trở lại nên giảm tiết dịch âm đạo khi giao hợp. Em có thể sử dụng KY Gel hoặc dùng Colpotrophine đặt âm đạo mỗi ngày một viên, thuốc có tác dụng tại chỗ làm trơn âm đạo và không gây tác dụng phụ. Nếu em dị ứng với thuốc này thì không nên tiếp tục dùng.
- Sau khi đặt vòng tránh thai trước mỗi kỳ kinh nguyệt em bị đau thắt lưng và bụng dưới dữ dội (em thường phải uống thuốc giảm đau). Xin hỏi bác sĩ hiện tượng đau này có phải do vòng gây ra? Sau khi đặt vòng bao lâu thì em phải ngừng hoặc thay vòng mới (em nghe nói là sau 3 năm thì phải thay). Xin bác sĩ tư vấn giúp em. (Trịnh Thu Trang, 27 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)
- BS Hà: Hiệu quả của vòng tránh thai là 95-97%. Tuy nhiên, vòng là một dị vật trong tử cung, mà tử cung có khuynh hướng co bóp, nên dễ gây đau bụng, đặc biệt là khi hành kinh. Bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau khi hành kinh.
Mỗi loại vòng có thời hạn sử dụng khác nhau. Do đó, bạn cần biết loại vòng mình đang đặt là loại nào để xác định thời gian thay vòng thích hợp.
- Xin bác sĩ cho biết hiện nay có biện pháp ngừa thai nào dành cho nam giới không? (Le Thi Bong, 38 tuổi, 211 Le Thanh Ton)
- BS Ngọc: Hiện nay chưa phổ biến các biện pháp ngừa thai dành cho nam giới, vẫn đang còn trong giai đoạn nghiên cứu. Triệt sản nam là một biện pháp ngừa thai vĩnh viễn áp dụng cho nam giới, dễ thực hiện, hiệu quả cao và không có tác dụng phụ nhưng không hồi phục, chỉ có thể áp dụng khi vợ chồng em đã có đủ con.
- Xin chào các bác sĩ, em năm nay 28 tuổi, đầu tháng 9 này là em kết hôn. Tình trạng của em là chưa quan hệ lần nào, chu kỳ kinh nguyệt không đều, một lần bị thì kéo dài 7-10 ngày. Nay em muốn kế hoạch thì phải dùng biện pháp tránh thai nào vừa an toàn, vừa hiệu quả. (Xin lưu ý là em không uống được thuốc viên) Xin cám ơn (Nguyễn Thị Thu Vân, 28 tuổi, Quận Tân Bình, TP HCM)
- BS Ngọc: Chu kỳ kinh nguyệt không đều và kinh kéo dài từ 7 đến 10 ngày đặc biệt thích hợp với viên tránh thai kết hợp Estrogen và Progestogen. Nếu không dùng được thuốc uống em có thể dùng thuốc dán Evra tác dụng giống như thuốc tránh thai dạng uống, bắt đầu từ ngày đầu tiên của kỳ kinh, mỗi tuần dán 1 miếng, sau 3 miếng dán nghỉ 1 tuần rồi lặp lại chu kỳ mới.
Bác sĩ Ngọc: "Không nên dùng biện pháp tránh thai dân gian vì hiệu quả không cao, chưa có cơ sở khoa học". Ảnh: Thiên Chương
- Tôi đã có 2 con. Con nhỏ được 6,5 tháng tuổi. Tôi có kinh nguyệt lại lúc cháu được 5 tháng. Nay đã hơn 1 tháng (hay nói đúng hơn là 1,5 tháng) vẫn chưa thấy kinh lại. Tôi có mua que thử thai thử 2 lần. Siêu âm 1 lần thì không thấy có thai. Tôi rất lo. Xin bác sĩ cho tôi biết tôi phải làm gì? (Trần Thị Thanh Thủy, 29 tuổi, Đà Nẵng).
- BS Hà: Sau khi sinh, thời gian có kinh trở lại ở mỗi người sẽ khác nhau. Năm đầu tiên sau sinh, nếu có kinh trở lại cũng thường không đều, tuy nhiên, vẫn có khả năng mang thai. Do đó, bạn phải chọn biện pháp ngừa thai thích hợp, ví dụ: bao cao su, đặt vòng.
- Xin chào Bác sĩ Thanh Hà! Bác sĩ cho em hỏi, em 27 tuổi, kết hôn được 5 tháng, dự định 2 năm nữa sẽ có con. Em đang dùng thuốc Regulon, cách nay 1 tuần em uống thuốc trị viêm xoang theo toa của bác sĩ, có loại kháng sinh Curam 1mg. Xin hỏi loại kháng sinh này có làm giảm tác dụng của thuốc ngừa thai không, vợ chồng em có cần dùng thêm biện pháp ngừa thai nào không? Xin cảm ơn Bác sĩ. (Trần Thị Thu Vân, 27 tuổi, Châu Thành, Bến Tre)
- BS Hà: Trong quá trình sử dụng thuốc ngừa thai bạn vẫn có thể sử dụng các loại thuốc khác khi bị bệnh. Tuy nhiên, thuốc ngừa thai thì nên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ để giảm tác dụng phụ. Còn các loại thuốc khác thường uống liên quan đến bữa ăn. Nếu bạn muốn uống các loại thuốc khác kết hợp với thuốc ngừa thai thì nên uống cách ra 2 tiếng đồng hồ.
- Xin chào và chúc sức khỏe hai bác sĩ! Xin hỏi bác sĩ biện pháp tránh thai bằng cách đặt miếng chanh vào âm đạo trước khi giao hợp có hiệu quả không và có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không? Xin cảm ơn! (Tiểu Tử, 30 tuổi, Quảng Ninh)
- BS Ngọc: Chanh không có tác dụng diệt tinh trùng nên không có tác dụng ngừa thai. Hiện nay trên thị trường có các thuốc đặt âm đạo diệt tinh trùng như Pharmatex, VCF (Vaginal Contraceptive Film). Thuốc đặt 15 phút trước khi giao hợp và có tác dụng trong một giờ, nếu trên một giờ em mới giao hợp cần đặt thêm viên khác.
- Cháu nghe nói, dùng thuốc tránh thai hàng ngày (newchoice) thì sau này có nguy cơ bị loãng xương cao. Điều này có thật không thưa bác sĩ (Venus, 25 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội)
- BS Ngọc: Trong thuốc ngừa thai có Estrogen là nội tiết tố cần thiết cho việc hấp thu Canxi, do đó dùng thuốc ngừa thai không có nguy cơ bị loãng xương.
- Xin bác sĩ cho biết đặt thuốc diệt tinh trùng thì tối đa bao nhiêu viên một tuần? Nếu giao hợp khoảng 3 lần một tuần thì dùng thuốc này có bảo đảm tránh thai an toàn và có hại gì cho cơ thể không? (Nguyễn Mai Linh, 39 tuổi)
- BS Hà: Nhịp độ giao hợp bình thường phù hợp với sức khỏe con người nhất là khoảng 2 lần một tuần. Nếu bạn sử dụng thuốc diệt tinh trùng thì trước mỗi lần giao hợp bạn nên lấy viên thuốc nhúng nước rồi đặt vào âm đạo, 5 phút sau mới được giao hợp.
- Cháu năm nay 24 tuổi, vì lý do kinh nguyệt không đều, đi khám bác sĩ chẩn đoán là buồng trứng đa nang và cho uống thuốc Diane 35, cháu uống được 3 vỉ và thấy kinh nguyệt rất đều, cháu muốn hỏi thuốc Diane 35 cũng là một dạng thuốc tránh thai, vậy khi đang sử dụng Diane 35 mà dùng thuốc tránh thai khẩn cấp liệu có tác dụng không? (Bảo Châu, 24 tuổi, Đê La Thành Hà Nội)
- BS Hà: Diane-35 là loại thuốc nội tiết vừa có tác dụng tránh thai, đồng thời có tác dụng điều trị bệnh buồng trứng đa nang. Do vậy, khi sử dụng Diane-35, bạn không cần phải sử dụng loại thuốc tránh thai nào khác.
- Em di làm xa nhà, mỗi tuần em và chồng em chỉ gặp nhau một lần, em không muốn uống thuốc ngừa thai hàng ngày và em bị tăng cân, chồng em không thích dùng bao cao su. Theo bác sĩ, em nên áp dụng biện pháp tránh thai nào tốt nhất (Phuong Mi, 23 tuổi, TP HCM)
- BS Ngọc: Em có thể sử dụng miếng dán ngừa thai Evra, mỗi tuần dán một miếng và có tác dụng ngừa thai trong cả tháng, thuốc được dán vào ngày đầu tiên của kỳ kinh, mỗi tuần một miếng, dán 3 tuần nghỉ một tuần. Tuy nhiên, thuốc dán hay que cấy đều có khả năng gây tăng cân ít hay nhiều. Em có thể sử dụng thuốc đặt âm đạo diệt tinh trùng có tác dụng tại chỗ và chỉ sử dụng khi giao hợp là thuận lợi nhất.
- Bác sĩ cho hỏi, nếu uống thuốc tránh thai hàng ngày có ngăn ngừa hoàn toàn không có thai không? (Nguyen Thi Thu, 29 tuổi)
- BS Hà: Thuốc uống tránh thai hàng ngày có hiệu quả ngừa thai 99,9% (loại phối hợp), 70% (loại progestogen đơn thuần liều thấp).
- Xin hỏi bác sĩ cứ mỗi lần gần chồng xong là em lập tức đi tắm thì có ảnh hưởng gi đến sức khỏe không? Có ảnh hưởng gì đến việc sinh con sau này không? (Khanh Van, 28 tuổi, Quận 10, TP HCM)
- BS Hà: Bạn quá sạch sẽ và không cần thiết phải làm như vậy. Hơn nữa, việc tắm đêm sẽ gây cảm lạnh.
- Cô ơi, cháu và bạn gái trót quan hệ cách đây 3 ngày và bọn cháu không dùng biện pháp bảo vệ nào cũng như không xuất ra ngoài. Bây giờ chúng cháu rất lo, không biết làm thế nào? (Nguyen Duc Trung, 20 tuổi, Ha Noi)
- BS Ngọc: Thuốc ngừa thai khẩn cấp Postinor được sử dụng trong vòng 72 giờ đầu sau khi giao hợp không có một biện pháp tránh thai nào bảo vệ. Hiệu quả của biện pháp ngừa thai này chỉ 75% nên không được dùng làm biện pháp ngừa thai thường xuyên. Ngoài ra trong 5 ngày đầu sau khi giao hợp không được bảo vệ bằng biện pháp tránh thai khác em có thể đặt vòng để ngừa thai khẩn cấp. Nếu không muốn duy trì việc đặt vòng em có thể tháo vòng khi có kinh lại. Trong trường hợp em cảm thấy thích hợp với việc sử dụng vòng tránh thai thì em có thể tiếp tục duy trì biện pháp này.
- Xin bác sĩ cho biết biện pháp xuất tinh ngoài âm đạo có đảm bảo không bị dính thai không ạ? Em cám ơn. (Nguyễn Minh Châu, 28 tuổi, Hà Nội)
- BS Hà: Hiệu quả ngừa thai của việc xuất tinh ngoài âm đạo rất thấp nếu người đàn ông không chủ động ngừng giao hợp và rút dương vật ra khỏi âm đạo khi chuẩn bị xuất tinh.
- Bị viêm lộ tuyến CTC có đặt vòng được không? Nếu không mình có thể dùng biện pháp tránh thai nào an toàn và hiệu quả hơn bác sĩ? (Nguyễn Thanh Phương, 35 tuổi, Vinh - Nghệ An)
- BS Hà: Viêm nhiễm sinh dục (viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung, viêm ống dẫn trứng) thì không được đặt vòng. Biện pháp thích hợp nhất trong trường hợp này là dùng bao cao su.
- Sau khi em uống thuốc tránh thai cấp tốc, một vài ngày sau em bị chảy máu ở đấy. Bác sĩ có thể giải thích giúp em và làm gì để chữa trị ạ? (Lan Anh, 25 tuổi, Thái Nguyên)
- BS Ngọc: Thuốc tránh thai khẩn cấp Postinor được dùng trong những trường hợp sau quan hệ tình dục không được bảo vệ trong vòng 72 giờ đầu. Tuy nhiên do đưa vào cơ thể một lượng nội tiết tố với liều cao có thể gây ra huyết bất thường giữa kỳ kinh, đa số tự hết sau vài ngày. Nếu trên một tuần vẫn ra huyết em nên khám phụ khoa để được điều trị và không nên sử dụng thuốc này như một thuốc tránh thai thường xuyên. Nói chung tất cả các thuốc tránh thai đều nên chủ động sử dụng vào đầu kỳ kinh và đúng cách, không nên lạm dụng các biện pháp tránh thai khẩn cấp hiệu quả không cao và có nhiều tác dụng phụ.
- Xin bác sĩ cho biết em bị sỏi mật có dùng được thuốc tránh thai hay không, vì em có đọc trong hướng dẫn sử dụng thuốc có nói những người bị mật không nên dùng. Em xin cảm ơn! (Nguyễn Bích Ngọc, 28 tuổi, Hà Nội)
- BS Hà: Những người bị sỏi mật vẫn có thể dùng được thuốc ngừa thai nếu chức năng gan không vấn đề gì.
- Cháu năm nay 22 tuổi và đã có người yêu. Cháu xin hỏi làm thế nào để sử dụng bao cao su một cách an toàn và hiệu quả nhất. Vì cháu dùng một vài lần nhưng không yên tâm nên sau đó người yêu cháu phải dùng tiếp viên tránh thai khẩn cấp. Cách hướng dẫn trên sản phẩm nói chung không rõ ràng, mà hỏi ở hiệu thuốc đa số là phụ nữ nên cũng khó. Cháu xin cảm ơn. (Vu Minh Tuan, 22 tuổi, Hải Dương)
- BS Hà: Để sử dụng bao cao su một cách hiệu quả nhất, bạn phải sử dụng đúng, như: mang cao bao su ngay từ khi bắt đầu giao hợp cho đến khi kết thúc. Điều quan trọng, bạn phải thử bao trước và sau khi sử dụng, nếu bao bị thủng, bạn gái của bạn cần sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp.
Thú vị trước câu hỏi hóm hỉnh của độc giả. Ảnh: Thiên Chương
- Em vừa uống thuốc ngừa thai Marvelon, vừa uống thuốc giảm cân, có ảnh hưởng gì không? (Thu Lan, 27 tuổi)
- BS Ngọc: Thuốc ngừa thai và thuốc giảm cân không có tác dụng đối kháng nhau nên em có thể dùng cùng lúc.
- Xin cho em hỏi tại Việt Nam có loại thuốc ngừa thai một tháng chỉ cần uống một viên không? Loại thuốc này có ngừa thai an toàn không ạ? (Thu Trang, 28 tuổi, Quận Bình Thạnh)
- BS Ngọc: Không có thuốc ngừa thai một tháng uống môt viên, hiện nay trên thị trường có miếng dán ngừa thai Evra mỗi tháng dùng 3 miếng vào 3 tuần đầu của kỳ kinh, nghỉ tuần thứ 4, sau đó lặp lại chu kỳ mới. Thuốc chích ngừa thai 3 tháng một lần Depo- Provera cũng có hiệu quả tránh thai cao. Tuy nhiên, thuốc này đôi khi có tác dụng phụ gây rong kinh, rong huyết hoặc vô kinh. Tùy theo sự chọn lựa, em có thể dùng một trong hai cách trên, nhưng ở lứa tuổi em lựa chọn Evra thích hợp hơn. Còn Depo- Provera nên dùng cho người lớn tuổi có đủ con, do ở tuổi này nhu cầu có con không nhiều và buồng trứng cũng đã giảm hoạt động.
- Uống thuốc tránh thai khẩn cấp có nguy hiểm không? (Minh Hương, 26 tuổi, Thủ Đức)
- BS Hà: Khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp là đã đưa một lượng nội tiết ngoại lai vào cơ thể. Khi nồng độ thuốc giảm, dẫn đến bong niêm mạc tử cung, gây tình trạng ra huyết âm đạo, dễ rong kinh, rong huyết, khó điều trị. Bên cạnh đó, thuốc tránh thai khẩn cấp là một loại progesterone làm giảm nhu động của ống dẫn trứng, có thể tăng nguy cơ bị thai ngoài tử cung.
- Xin chào các bác sĩ. Xin các bác sĩ tư vấn giúp một số thắc mắc như sau: Bệnh nhân ghép thận có dùng thuốc tránh thai hàng ngày hoặc khẩn cấp được không? Xin cảm ơn. (Hoang Thanh Hang, 33 tuổi, Hue)
- BS Ngọc: Đa số bệnh nhân ghép thận dùng các thuốc ức chế miễn dịch nhằm chống thải ghép. Thuốc ngừa thai viên kết hợp và thuốc ngừa thai khẩn cấp không có tác dụng đối kháng với các thuốc này do đó vẫn có thể sử dụng được. Trong trường hợp có suy thận cần có sự kiểm tra của bác sĩ vì bất cứ thuốc nào cũng cần hạn chế không riêng gì thuốc ngừa thai.
- Cho con bú có nên đặt thuốc diệt tinh trùng không? (Mussic, 28 tuổi, Hà Nội)
- BS Hà: Thuốc diệt tinh trùng có thể dùng cho mọi lứa tuổi, mọi trường hợp. Riêng đối với những phụ nữ lớn tuổi thì nên hạn chế dùng vì nó gây nóng, rát âm đạo.
- Bây giờ mẹ em đã mãn kinh nhưng còn vòng tránh thai trong tử cung. Xin bác sĩ cho biết nếu không lấy vòng tránh thai ra có ảnh hưởng sức khỏe như thế nào? Xin cám ơn. (Nguyễn Duyên, 30 tuổi, Long Thành, Đồng Nai)
- BS Hà: Khi mãn kinh, vòng tránh thai không còn cần thiết nữa nên có thể lấy ra. Nếu vì lý do nào đó (sợ đau) mà không muốn lấy vòng ra, cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ em.
- Em và bạn trai có quan hệ. Sau đó dùng thuốc tránh thai khẩn cấp Mefestad. Xin hỏi bác sĩ là dùng thuốc này có hại cho sức khỏe bằng loại Postinor không vì em thấy đa số mọi người hay dùng Postinor? (Nguyen Thi Hong, 22 tuổi, TP Son La)
- BS Ngọc: Mefestad và Postinor đều là các thuốc ngừa thai khẩn cấp. Mefestad là một Prostalandine có tác dụng cạnh tranh với Progesterone tại thụ thể của Progestorone (Progesterone là nội tiết tố cần thiết cho quá trình dưỡng thai) và Postinor có chứa Levonosgestrel 75mg đưa vào cơ thể với liều cao để tránh thai. Cả hai đều dùng để ngừa thai khẩn cấp, không nên dùng như một biện pháp tránh thai thường xuyên vì gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý của buồng trứng.
- Em năm nay 21 tuổi hiện giờ sống cùng với người yêu. Chúng em thường xuyên có những thời gian ở bên nhau nhưng không dùng bất cứ một biện pháp tránh thai nào cả. Dùng bao thì khó chịu. Uống thuốc thì lại không biết loại nào phù hợp, em rất sợ sau này sẽ bị vô sinh nếu uống lung tung. (Cho nên mỗi lần ở cạnh nhau anh ấy đều cho ra ngoài). Em biết làm như vậy xác suất có em bé là rất cao. Mong bác sĩ cho lời khuyên. (Nguyen Thi Lan, 21 tuổi, Hòa Bình)
- BS Hà: Xuất tinh ngoài thì hiệu quả không cao vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào sự chủ động của người đàn ông. Nếu bạn muốn hiệu quả ngừa thai cao mà lại không muốn dùng bao cao su thì nên sử dụng thuốc nội tiết tránh thai. Bạn nên chọn loại thuốc tránh thai thế hệ mới, hạn chế tác dụng phụ và dễ sử dụng, ví dụ như thuốc dán tránh thai.
- Chào các bác sĩ. Cháu xin hỏi là cháu và một số bạn gái đang du học ở nước ngoài. Vì xa nhà nên ai cũng có bạn trai là người bản xứ. Xin các bác sĩ chỉ hộ cách nào để ngừa vì mấy người này không chịu dùng bao cao su. Cám ơn các bác sĩ. (Khánh Thy, 19 tuổi)
- BS Hà: Với hoàn cảnh của bạn, sử dụng thuốc tránh thai nội tiết là hợp lý nhất. Bạn có thể chọn loại thuốc ngừa thai thế hệ mới, ít tác dụng phụ, dễ sử dụng như: thuốc dán ngừa thai.
- Chào các cô, cháu xin hỏi, hiện tai cháu đã có 2 con rồi và việc sinh tiếp cháu tạm thời không nghĩ đến nữa. Vậy cháu nên dùng biện pháp tránh thai nào để an toàn và lâu dài nữa. (Cháu còn sinh nữa đấy...) Cháu cản ơn các cô. (Vũ Thị Lan Phương, 25 tuổi, Khai Quang, Vĩnh Phúc)
- BS Hà: Để đáp ứng được những nhu cầu của bạn về biện pháp ngừa thai an toàn, lâu dài và có khả năng phục hồi tốt, bạn nên chọn loại thuốc ngừa thai thế hệ mới, ít tác dụng phụ, dễ sử dụng và phục hồi khả năng sinh sản nhanh như thuốc ngừa thai dán.
- Thưa bác sĩ giải pháp tránh thai nào là hợp lý nhất với những người chưa sinh con. (Bảo Ngọc, 26 tuổi, Lạc Thủy, Hòa Bình)
- BS Ngọc: Đối với những người chưa sinh con đặt vòng dễ gây đau bụng dưới hoặc tử cung co bóp nhiều gây rơi vòng. Em nên dùng thuốc ngừa thai uống viên kết hợp Estrogen và Progestogen, miếng dán tránh thai Evra, thuốc đặt diệt tinh trùng (Pharmatex, VCF) hoặc cấy que Implanon là những biện pháp tránh thai hiện đại có hồi phục.
Nói tóm lại đối với các phụ nữ trẻ chưa sinh con hoặc còn muốn sinh con thêm nên dùng các biện pháp tránh thai dễ hồi phục như đã nói trên. Đối với các phụ nữ đã có đủ con nên dùng các biện pháp tránh thai vĩnh viễn (triệt sản) hoặc thuốc ngừa thai loại chích có tác dụng kéo dài. Thuốc ngừa thai khẩn cấp chỉ sử dụng trong những trường hợp bất khả kháng vì hiệu quả thấp và có thể gây rối loạn kinh nguyệt.
Các biện pháp tính vòng kinh hoặc xuất tinh ngoài hiệu quả không cao có thể gây có thai ngoài ý muốn. Đặc biệt không nên dùng các biện pháp dân gian truyền miệng không có cơ sở khoa học, nên hiệu quả tránh thai không bảo đảm, đồng thời có thể gây tác dụng có hại cho cơ thể do các phương pháp này chưa được nghiên cứu nhiều.
Thuốc ngừa thai là một lọai thuốc đã được nghiên cứu nhiều và có nhiều cải tiến đáng kể, hiệu quả cao, có thể hồi phục và tác dụng phụ càng ngày càng thấp. Để lựa chọn một biện pháp ngừa thai phù hợp nên khám phụ khoa để được tư vấn.
Đời Sống

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire