mercredi 4 juillet 2012

Tương lai nước Đức sẽ phụ thuộc vào người nhập cư?

Thứ ba 03 Tháng Bẩy 2012

Lê Phước
Giữa thời buổi khủng hoảng kinh tế, trong khi người bạn láng giềng Pháp ra sức hạn chế nhập cư, thì Đức lại thúc đẩy chính sách kêu gọi người ngoại quốc đến làm việc. Nhật báo công giáo La Croix phản ánh sự kiện này với bài viết chạy dòng tựa: « Tương lai của Đức phải nhờ vào người nhập cư ».

Trên trang mạng của các Bộ Lao Động, Kinh tế và Việc làm của Đức đăng tải những lời kêu gọi người nhập cư ở lại làm việc tại Đức. Bộ trưởng Lao Động Đức, bà Ursula Von Der Leyen, tha thiết : « Chúng tôi đang cần các bạn. Chúng tôi thật vui sướng được đón tiếp các bạn ». Theo bà, cũng như một số quốc gia khác, Đức đang đối mặt với hiện tượng sụt giảm dân số.
Từ những năm 1970, mỗi năm tại Đức, số người sinh ra ít hơn 200 000 người so với số tử vong. Tại Đức, số trẻ em ra đời năm 2011 ít hơn 15 000 người so với năm 2010. Từ năm 2003, dân số Đức bắt đầu giảm, trong khi năm 2011 lại tăng, mà nguyên nhân tăng là nhờ vào làn sóng nhập cư. Dân số Đức hiện tại gần 82 triệu người, nhưng theo dự báo, đến năm 2060, sẽ giảm xuống còn từ 65 đến 70 triệu người.
Bà Der Leyen đánh giá, từ đây đến năm 2015, Đức sẽ thiếu đến 6 triệu lao động. Như vậy, đảm bảo cho nền kinh tế Đức có đủ nhân lực là một « nhiệm vụ quốc gia ». Và để hoàn thành được nhiệm vụ này, thì không thể không dựa vào người nhập cư.
Theo thăm dò, có đến 80% sinh viên nước ngoài tốt nghiệp tại Đức muốn ở lại làm việc, nhưng chỉ có ¼ trong số này là được đáp ứng nguyện vọng. Vì thế, Đức đã giảm bớt các điều kiện khắt khe nhằm khuyến khích nhập cư, nhất là giới thanh niên có bằng cấp. Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Philpp Rosler, còn kêu gọi : « Hãy đến thử vận may ở một nước nằm ở trung tâm Châu Âu ».
Trong những người nhập cư, có một bộ phận không nhỏ đến từ các nước phía Nam bán cầu. Thanh niên ở những nước này do khó tìm được việc làm trong nước buộc phải bôn ba nước ngoài, và nhiều người đã chọn nước Đức. Năm 2011, người nhập cư tại Đức đến từ các nước trong khối EU tăng 34%, trong đó đứng đầu là các nước bị khủng hoãng nặng nề nhất như Hy Lạp và Tây Ban Nha. Ở hai nước này, trong lứa tuổi dưới 25, có đến 50% người thất nghiệp.
Tuy nhiên, chính quyền Đức không chỉ kêu gọi sự tự nguyện của người nước ngoài đến Đức, mà còn kêu gọi cả người dân Đức. Một quan chức nhập cư Đức nhận định, sự thay đổi tư duy của người Đức là một yếu tố quan trọng để cho chính sách nhập cư được thành công. Người này kêu gọi : Người Đức hãy hoan nghênh người nhập cư thay vì tỏ ra khó chịu, hãy tỏ lòng biết ơn vì những đóng góp của họ cho nước Đức.
Hồng Kong vẫn chưa thật sự « trở về » với Trung Quốc
Tiếp tục phản ánh sự kiện kỷ niệm 15 năm ngày Hồng Kong được trao trả về cho Trung Quốc, La Croix có bài nhận định : « Mối nghi ngờ của người Hồng Kong đối với Hoa Lục ngày càng lớn ». Tờ báo nhắc lại vụ rùm ben của tổng biên tập tờ South China Morning Post, ông Vương Hướng Vĩ. Ông này bị nghi ngờ là đã không cho đăng tải mạnh mẻ bài viết tố cáo Bắc Kinh về cái chết vừa qua của nhà li khai Lý Vượng Dương. Sau một bài tường thuật dài đăng ngày 07/06/2012, báo South China Morning Post rút ngắn lại còn 101 chữ trong bản tin kế tiếp. Trong khi đó thì báo tiếng Hoa tường thuật rộng rãi. South China Morning Post, được thành lập từ năm 1903, là một « định chế » rất được thành phần học thức tại Hông Kông báo chí quốc tế tin cậy.
Vấn đề ở đây là ông Vương Hướng Vĩ khi xưa là phóng viên của tờ China Daily, ấn bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật Báo, ông đến làm cho South China Morning Post vào năm 1996, tức chỉ một năm trước ngày Hồng Kông được trao trả chính thức cho Trung Quốc. Bởi vậy, đã có nghi ngờ cho rằng ông là người của Bắc Kinh cài đến.
La Croix cho biết, từ khi lên lãnh đạo South China Morning Post, ông Vương đã dần hạn chế các bài viết chỉ trích Bắc Kinh, mà lại khuyến khích những bài ca ngợi. Tờ Wall Street Journal vừa rồi đăng bài xã luận cho rằng, ông Vương cố ý kiểm duyệt nội bộ tờ báo.
La Croix nhận định : từ khi Hồng Kông trở về với Trung Quốc, báo chí Hồng Kong bị lâm cảnh tự kiểm duyệt. Thật ra, về mặt chính thức thì không hề có kiểm duyệt gì cả, nhưng mà mỗi nhà báo phải tự biết giới hạn của những bài viết về Bắc Kinh : Nếu bài phê phán mà có lợi cho Bắc Kinh thì được, còn nếu có hại cho Bắc Kinh thì đừng nên viết.Tờ báo kết luận : Mối nghi ngờ của người Hồng Kông đối với Bắc Kinh ngày càng lớn, đối với họ, tự do báo chí đã bị đẩy lùi, bất bình đẳng xã hội đã tăng lên, nền dân chủ ngày càng bị chính quyền Bắc Kinh bóp nghẹt.
Thế giới đánh võ mồm, Hồi giáo Mali chơi võ thật
Liên quan đến việc các phần tử Hồi giáo vũ trang ở Mali phá hủy đền thờ và lăng tẩm ở Timbuktu miền bắc Mali, nhật báo Le Monde đăng bài : « Bất lực trước cảnh tàn phá lăng tẩm ở Mali ». Tờ báo cho biết, kể từ đầu tháng 4 đến nay, các nhóm Hồi Giáo cực đoan Salafi đến chiếm đóng, thành phố Timbuktu trở thành nơi không thể tiếp cận, việc phá hủy lăng tẩm tiếp tục diễn ra trong bí mật, không ai biết được con số chính xác và tình trạng hiện tại. Những người dân trong vùng thì không dám ra khỏi nhà, không dám liên lạc với bên ngoài vì sợ bị cho là gián điệp.
Nhóm Hồi giáo Ansar Eddine bị cho là hung thủ. Nhóm này thuộc quyền quản lí của nhân vật người Touareg khét tiếng Iyad ag Ghali. Thông tin về nhóm này còn khá hỗn loạn. Vừa qua, một người tự xưng là phát ngôn nhân của Ansar Eddine đã thẳng thừng tuyên bố với AFP, sẽ phá hủy hết thảy các ngôi mộ để đáp trả quyết định của UNESCO công nhận thành phố cổ Timbuktu là « Di sản thế giới đang bị lâm nguy ». Thế nhưng, Le Monde cho biết, theo một nguồn tin, Ansar Eddine không có phát ngôn nhân.
Rồi sau đó lại có một người tự nhận là phát ngôn nhân của Ansar Eddine. Nhưng sau đó lại bị phát hiện là thành viên của nhóm Hồi giáo Aqmi, chi nhánh Al Qaida tại Bắc Phi. Một câu hỏi đặt ra là : Tại sao họ lại phá hủy các ngôi mộ ? Le Monde dẫn lời một chuyên gia cho rằng : « Vấn đề không phải là lăng tẩm, mà là luật Hồi Giáo Charia ». Ansar Eddine muốn áp đặt luật này ở Mali, một ý định được ủng hộ bởi nhiều chức sắc tôn giáo ở nước này.
Tại Timbuktu, dư luận hoảng loạn đến mức cho rằng : « Việc phá hủy lăng tẩm có thể là tín hiệu của ngày tận thế». Trong khi đó, « phần còn lại của thế giới » chỉ mới dừng lại ở sự kinh ngạc và phẫn nộ. Trưởng công tố của Tòa án Hình sự quốc tế bà Fatou Bensouda cho rằng : đó là « tội ác chiến tranh », và hứa sẽ truy tố vụ việc. Maroc kêu gọi « can thiệp khẩn cấp » của các nước Hồi Giáo. Và thế là, thế giới cứ lên án, di sản được Unesco công nhận cứ bị phá hủy.
Chính phủ Pháp ở vào thời điểm quyết định
Viện thẩm kế Pháp vừa đệ trình chính phủ báo cáo về tình hình và viễn cảnh của nền tái chính Pháp. Nhật báo Công giáo La Croix dành trang nhất và hai trang phân tích chủ đề này, tuy nhiên đáng chú ý là bài xã luận cũng đăng trên trang nhất của tờ báo với dòng tựa : « Buộc phải Khắc khổ ».
Theo báo cáo, nước Pháp phải tiếp tục hạn chế chi tiêu công để có thêm từ 6 đến 10 tỷ euro từ đây đến cuối năm, nhằm thực hiện được mục tiêu: Giảm thâm hụt công xuống mức 4,4% năm 2012, so với mức 5,2% của năm ngoái, theo đúng cam kết với các đối tác Châu Âu khác, nhằm căn bằng kinh tế từ tây đến năm 2017.
Theo dự báo của Viện thẩm kế, nếu như kinh tế Pháp tăng trưởng ở mức 1 % vào năm tới, thì Paris sẽ phải tiết kiệm thêm 33 tỷ euro để duy trì thâm hụt ngân sách ở mức 3 % GDP như cam kết. Nhưng nếu như tăng trưởng chỉ là 0,5 %, thì chính phủ sẽ phải đòi hỏi người dân hy sinh nhiều hơn.
La Croix nhận định, từ khi nhậm chức, thủ tướng Jean-Marc Keyrault hiểu được rằng, để đưa nước Pháp trở lại được con đường cân đối ngân sách như lời tổng thống Hollande hứa khi tranh cử, chính phủ phải thực hiện nhiều biện pháp mạnh tay trong mùa hè này, trong đó những biện pháp đầu tiên mà ông công bố hôm nay trước quốc hội chắc chắn sẽ « mang mùi vị của sự khắc khổ », dù từ này chắc chắn sẽ không được nói ra.
Ngày mai, thủ tướng Keyrault cũng sẽ đệ trình dự thảo ngân sách 2012. Về việc kiếm thêm tiền, chính phủ hứa là sẽ không nhắm đến các tầng lớp bình dân và trung lưu, mà sẽ kêu gọi đóng góp nhiều hơn ở những người khá giả và các doanh nghiệp lớn. Về phần giải pháp, chính phủ thông báo sẽ « kiểm soát chi tiêu ». Theo tờ báo, đây chỉ là một cách nói tránh để không động đến từ nhạy cảm « cắt giảm ».
Như vậy, La Croix nhận định, chính phủ Keyrault đang ở giờ phút lựa chọn quyết định : Phải can đảm để có thể thực hiện thành công chính sách làm lành mạnh hóa tài chính công mà không làm thất vọng cử tri đã ủng hộ mình. Những biện pháp mà chính phủ áp dùng sắp tới đây chắc chắn tạo ra dấu ấn cho toàn bộ nhiệm kỳ tổng thống của ông Hollande.
Pháp-Mỹ và cuộc xích mích vì gan ngỗng béo
« Không còn gan ngỗng béo trên các thực đơn nhà hàng ở California nữa », đó là tựa đề bài viết đăng trên tờ Le Monde phản ánh việc bang California của Hòa Kỳ banh hành lệnh cấm gan ngỗng béo. Gan béo, hay Gan ngỗng béo, mà tiếng Pháp gọi là « foie gras », là một đặc sản của Pháp, được làm từ gan ngỗng hay vịt. Ngỗng hay vịt được nuôi bằng cách bị buộc nhồi nhét ăn uống hạt bắp khô quá mức để có bộ gan to.
Bang California của Mỹ đã banh hành lệnh cấm nhập khẩu và bán món ăn này dưới mọi hình thức trong địa phận bang hồi năm 2004, và do nhiều lí do, đến ngày 01 tháng Bảy này, lệnh trên mới bắt đầu có hiệu lực chính thức. Người vi phạm có thể bị phạt đến 1 000 đô la (790 euro).
Tờ báo cho biết, tại bang California, các hiệp hội bảo vệ động vật rất có ảnh hưởng. Họ cho rằng, việc nuôi nhồi ngỗng và vịt để sản xuất gan béo là một hành động dã man, là một hình thức tra tấn. Năm 1998, bang Golden State của Mỹ đã cho cấm thịt ngựa, và sau đó trở thành bang đầu tiên cấm nuôi nhồi chim, ngay cả cấm việc bán lông chim được nuôi nhồi.
Lệnh cấm thật sự ít ảnh hưởng đến người California, bởi gan béo không phải là món ăn yêu thích nhất của họ, mà họ ăn chủ yếu là sushi, hamburger. Tuy vậy, những người yêu thích món gan béo trong tiểu bang hy vọng chính quyền cho thu hồi lệnh cấm. Còn đối với những người nhập khẩu và giới du lịch tại California thì họ dĩ nhiên không chấp nhận lệnh này. Một người trong số họ bức xúc : « Có phải sắp tới sẽ cấm thịt vì người ăn chay hay không ? ». Năm 2008, chính quyền Chicago đã từng cho thu hồi một lệnh tương tự.
Còn tại Pháp, xứ sở của gan béo, phản ứng đã bắt đầu. Một nghị sĩ đảng Xã hội Pháp đã kêu gọi tẩy chay rượu vang đến từ California. Các nhà sản xuất gan béo Pháp đã lên tiếng kêu gọi chính phủ can thiệp, họ cho rằng lệnh cấm trên đi ngược lại qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
RFI
http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20120703-tuong-lai-nuoc-duc-se-phu-thuoc-vao-nguoi-nhap-cu

***

Chùa Phật giáo Trung Quốc sắp lên sàn chứng khoán

Bạn sẽ nghĩ gì nếu một ngôi chùa Phật giáo sẽ niêm yết giá trên sàn chứng khoán? Đây không phải chuyện tiếu lâm mà là chuyện có thật tại Trung Quốc. Một sự kiện đang gây nhiều tranh cãi tại Trung Quốc. Câu chuyện được đăng trên tờ Le Figaro trên chuyên mục “câu chuyện hàng ngày”.
Đối với Trung Quốc, chùa lên sàn chứng khoán không có vấn đề gì cả! Ngôi chùa đó nằm ở tỉnh Chiết Giang – cái nôi của lãnh vực tư nhân, nơi mà những doanh nghiệp tư đầu tiên được thành lập vào năm 1980. Đây cũng là nơi ngự trị của một trong bốn ngọn núi Phật giáo thiêng liêng nhất của đất nước, ngọn núi Phổ Đà, nơi mà Phật Bà Quan Thế Âm đến đọc kinh cho các em nhỏ.
Ngày nay, bức tượng mạ vàng to lớn có khả năng sẽ trở thành biểu tượng cho sự phồn vinh kinh tế, với mức giá lên đến 118 triệu đô-la.
Trên thực tế, Công ty Phát triển Du lịch Phổ Đà Sơn dự định sắp đến sẽ đưa lên sàn chứng khoán để “khuếch trương tiếng tăm của điểm du lịch trên cả nước”. Nếu như chính quyền địa phương ủng hộ dự án, thì các quan chức phụ trách về tôn giáo lại phản đối. Theo ông Lưu Vĩ, phụ trách Ban Trị sự tôn giáo chính phủ chưa có một điểm tôn giáo nào trên thế giới nộp hồ sơ lên sàn chứng khoán. Ông cho rằng chiến dịch sẽ đụng chạm đến sự nhạy cảm của những người theo đạo Phật.
Về phần các quan chức của Phổ Đà Sơn, họ phản bác lại rằng kế hoạch đã được suy nghĩ rất kỹ càng. Hiện tại, tranh luận cũng chỉ mới bắt đầu. Nhưng cũng đã có hai ngọn núi khác cũng bắt đầu rục rịch cho việc lên sàn. Thời buổi chứng khoán, nên Thần Thánh cũng phải lên sàn thôi !
tags: Nga - Quốc tế - Điểm báo 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120704-nga-muon-tim-lai-tham-vong-thoi-hong-quan-lien-xo 


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire